Trại giam Kim Sơn: Lấy tình người giúp phạm nhân cải tạo, hướng thiện
Có lẽ chỉ có sự cảm thông, chia sẻ và định hướng kịp thời mới có thể kéo những con người từng lầm lỡ đang có ý định buông xuôi khi phải đối mặt với tương lai mịt mù, hướng thiện làm lại cuộc đời. Những cán bộ, quản giáo Trại giam Kim Sơn (Bộ Công an, đóng ở địa bàn xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) đã làm được điều này với những phạm nhân đang được cải tạo, giáo dục tại đây.
Lấy tình người để hướng thiện
Cứ nghĩ cuộc đời vậy là hết! Đó là tâm sự của phạm nhân Thanh Tùng (Đức Phổ, Quảng Ngãi), khi phải nhận mức án gần 10 năm tù giam về tội buôn bán ma túy vào năm 2012. Thế nhưng, nhờ sự động viên kịp thời, chia sẻ rất chân tình dù chỉ là viên thuốc đau bụng ngay từ những ngày đầu vào trại của cán bộ quản giáo đã khiến Tùng cảm động và suy nghĩ lại. Đến nay, sau 3 năm thụ án, Tùng là một trong những phạm nhân cải tạo tốt được tham dự Hội nghị phạm nhân tiêu biểu năm 2015 do Trại giam Kim Sơn tổ chức vào giữa tháng 6.2015.
Tùng chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ như in lời cán bộ quản giáo nói khi mới nhập trại trong tâm thế chán nản vì nghiện ngập và mức án cao. Anh ấy nói cuộc sống chưa bao giờ là kết thúc nếu ta biết cố gắng. Hôm rồi vợ và con anh không ngại đường xa đến thăm anh, con trai anh còn quá nhỏ, nó cần anh sớm hoàn lương để quay về. Anh mà không cố gắng cải tạo thì biết bao giờ về”.
Từng là một phạm nhân cá biệt đến mức phải điều chuyển từ Trại giam Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) về Trại giam Kim Sơn vào năm 2010, nhưng hiện nay phạm nhân Nguyễn Ngọc Huệ (SN 1979, thụ án 18 năm về tội cướp tài sản) đã được xếp loại cải tạo tốt, được xét giảm án lần 1 (5 tháng) vào các năm 2014-2015. Phạm nhân Huệ tâm sự: “Nhờ sự quan tâm động viên kịp thời của các quản giáo mà tôi mới được như vậy. Giờ tôi coi Trại giam Kim Sơn như là gia đình thứ 2, mà đã là gia đình thì phải cố gắng làm tốt mọi thứ. Với tôi, cứ chấp hành tốt các điều lệ của trại, làm tốt nhiệm vụ của mình thể nào cũng sẽ được sớm hoà nhập cộng đồng thôi. Bài học này tôi lấy ra từ chính bản thân mình”.
Đại tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám thị Trại giam Kim Sơn, nói: “Ngoài việc chú trọng thực hiện đúng và đầy đủ các chế độ chính sách đối với phạm nhân như điều kiện ăn ở, khám chữa bệnh đầy đủ, bố trí công việc phù hợp, Trại giam Kim Sơn còn phân công cán bộ quản giáo thường xuyên gần gũi, chia sẻ để phạm nhân thấy được tình cảm của người cán bộ trại giam, cũng như sự mẫu mực của mỗi cán bộ trại là tấm gương để phạm nhân noi theo. Ban Giám thị Trại giam chúng tôi luôn lấy phương châm lấy tình người để hướng thiện làm kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình cảm hóa, cải tạo phạm nhân”.
Quyết tâm làm lại cuộc đời
Sự quan tâm, yêu thương của gia đình, sự động viên, an ủi của trại và thái độ của cộng đồng, là động lực để người từng lầm bước đứng lên làm lại cuộc đời. Nhưng trước hết, mỗi phạm nhân cần phải vượt qua chính mình, phải có ý chí vững vàng để tự khẳng định rằng vấp ngã chỉ là quá khứ.
Như lời đúc kết của anh T.Đ.V. (ở xã Ân Phong, huyện Hoài Ân) sau nửa năm hoàn lương: “Ý chí, nghị lực của bản thân chính là liều thuốc tinh thần giúp mình vượt qua mọi mặc cảm để làm lại cuộc đời, bởi không gì là không thể nếu chúng ta có quyết tâm”. V. từng thụ án 5 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích, song nhờ cải tạo tốt nên được giảm án 3 lần, ra tù trước thời hạn.
Lần đầu tiên được tham dự Hội nghị gia đình phạm nhân tiêu biểu do Trại giam Kim Sơn tổ chức với tư cách là người hoàn lương thành đạt tiêu biểu, anh V. không giấu nổi niềm vui: “Tôi ra trại đã hơn nửa năm. Còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin với sự tạo điều kiện của gia đình cùng vốn kiến thức tích lũy được trong quá trình cải tạo tại Trại giam, tôi tin công việc của mình sẽ ổn định và phát triển. Hiện tôi làm trang trại, trồng dừa xiêm, bưởi, nuôi heo, gà và trồng cây keo”.
Sau 6 năm hoàn lương, anh C.B. (SN 1988, ở Hoài Đức, Hoài Nhơn) đã đúc kết những trải nghiệm: “Tôi nghĩ chỉ cần mình quyết tâm, tự lo cho mình thì cuộc sống sẽ dần ổn định, chứ những ngày đầu mới về nhà, tôi bị nhiều người dè bỉu là thằng tù nên buồn lắm. Nhờ gia đình, và nhất là chính quyền địa phương động viên, định hướng lại nghề nghiệp nên tôi thấy tự tin hơn và bắt đầu làm lại cuộc đời từ nghề sửa xe”. B. hiện có thu nhập tương đối ổn định từ nghề sửa ô tô ở địa phương.
Có thể thấy, nếu thật sự cố gắng, quyết tâm cùng với sự quan tâm chia sẻ của gia đình, cộng đồng, người lầm bước chắc chắn sẽ vượt qua mặc cảm và sống có ích.
K.ANH