Quên một lời “cảm ơn”
Buổi sáng, chị chạy nhanh ra chợ, mong kịp về nhà nấu phần cháo thơm ngon để đưa con đến nhà trẻ. Vì vội vàng, người mẹ trẻ quên cả việc gạt chân chống xe và tắt đèn xi-nhan khi qua đường. Ít phút sau, một thanh niên chạy xe gần chị. Kéo khẩu trang xuống, anh thanh niên nói lớn: “Chị gạt chân chống và tắt đèn xi-nhan, kẻo nguy hiểm”. Thấy chị có vẻ không hiểu, anh thanh niên chỉ tay về phía chân chống xe rồi vỗ nhẹ phần đèn xi-nhan trước của mình. Hiểu ý, chị vội vàng gạt chân chống và tắt đèn. Định bụng sẽ nói lời cảm ơn cậu thanh niên nhưng phút chốc đã thấy cậu vụt chạy về phía trước, mất dấu.
Vào cổng chợ, chị tình cờ nhìn thấy một cô gái trẻ đi phía trước đánh rơi phiếu gửi xe. Cầm tờ phiếu nhỏ đưa cho cô gái, chị nhận được một cái gật đầu nhẹ, bẽn lẽn rồi vội vã quay đi. Chút hụt hẫng thoáng qua trong đầu chị. Lẽ ra, cô gái nên nói lời cảm ơn với chị chứ? Tiếc gì hai tiếng “cảm ơn” với một người vừa giúp mình tránh khỏi một rắc rối?
Cô bạn đồng nghiệp nghe câu chuyện của chị liền tặc lưỡi, bảo: “Có thể cô gái đang vội, hoặc vì lơ đãng mà quên nói lời cảm ơn. Hay bạn cứ xem như cô gái đã muốn nói lời cảm ơn nhưng không có cơ hội nói, giống như bạn lúc sáng chưa kịp cảm ơn anh thanh niên nhắc nhở gạt chân chống xe đi”. Chị lắc đầu, nghĩ trong lòng: làm sao mà đánh đồng hai chuyện này với nhau. Cảm ơn, xin lỗi là phép lịch sử tối thiểu. Cho phép mình quên hoặc lấy lý do nào đó để cái sự quên này trở nên chính đáng là điều không nên chút nào phải không?
HÀ THANH