Hội thảo nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội
(BĐ) - Sáng 23.6, tại Sở VH-TT&DL, đã diễn ra Hội thảo về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 308/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Đại diện lãnh đạo nhiều sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã về dự. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Đông Hải chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo tổng kết trình bày tại Hội thảo, nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy và HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh có hướng dẫn, chỉ đạo đưa những nội dung của Quy chế và chỉ thị của UBND tỉnh vào nội dung các tiêu chí bình xét công nhận gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa trên địa bàn tỉnh; vào hương ước, quy ước khu dân cư, quy chế dân chủ ở cơ sở một cách thiết thực, lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước được triển khai ở cơ sở… Đến nay, ở tỉnh ta, ngày càng có nhiều hộ gia đình tổ chức cưới hỏi, lễ tang đơn giản, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam; nhiều lễ hội được tổ chức phù hợp với nếp sống văn minh, các truyền thống tốt đẹp tiếp tục được duy trì, bảo tồn và phát huy hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế như: cá biệt ở một số nơi, việc tổ chức cưới, tang, lễ hội còn phô trương, lãng phí, gây ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và tình nghĩa cộng đồng…
Phó Chủ tịch Ngô Đông Hải chỉ đạo: Trong thời gian tới, phải tiếp tục tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức khác nhau một cách phù hợp theo từng địa bàn để việc cưới, việc tang, lễ hội văn minh, tốt đẹp hơn. Xây dựng kế hoạch và các chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu thực hiện hiệu quả hoạt động này. Chú trọng đến từng biện pháp cụ thể, thiết thực tập trung cho từng đối tượng nhưng không xa rời chủ trương chung. Những giá trị đặc sắc, điển hình cần được đề cao, nhân rộng, đồng thời loại bỏ dần những điều lạc hậu, hạn chế không phù hợp với đời sống xã hội hôm nay. Nâng cao công tác quản lí, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, đoàn thể…
HOÀI THU
Chính quyền, hội đoàn thể thành phố Qui Nhơn cần chấn chỉnh lại việc tổ chức tang lễ, nhất là chính bản thân mỗi người dân, mỗi gia đình đang sống trong đô thị loại 1 này. Việc nhỏ nhất cần làm ngay là đừng rải giấy tiền vàng bạc khi di quan ra nghĩa địa nữa! Cứ mỗi khi xe tang đi qua là giấy tiền vàng bạc theo gió bay khắp nơi, gây bẩn đường phố vừa được các chị công nhân môi trường quét dọn xong...Mà rõ ràng là vừa tốn tiền mua giấy vàng bạc mà chẳng ích lợi gì. Thời buổi giờ việc đó là quá lạc hậu rồi. Cũng là người VN, sống trong cùng 1 đường, một khu phố, nhà sát vách nhau, người theo đạo công giáo khi đưa tang có cần phải "mua đường" như thế đâu!? Và người chết cũng về nơi an nghỉ cuối cùng bình thường. Vậy tại sao ta phải làm chi vậy cho tốn tiền mà lại mất văn minh ? Việc này, khi tổ chức tang lễ, cán bộ văn hóa phường hoặc tổ dân phố cần đến nói nhỏ nhẹ với chủ giai đình để bỏ đi tập tục lạc hậu này. Bản thân các gia đình cán bộ, viên chức cũng phải làm gương cho dân về việc này ! Mỗi nhà góp một ít, lâu dần thành thói quen tốt, trở thành văn minh. Chứ ai cũng nhìn qua nhìn lại, bắt chước nhau, không chịu bỏ thì sẽ duy trì mãi lạc hậu ! Rồi chuyện nhạc đám ma mở loa to ầm ĩ, vừa điếc tai người trong nhà, vừa làm phiền mọi người xung quanh, cũng cần phải sửa lại. Gia chủ yêu cầu ban nhạc mở nhỏ vừa vừa nghe dễ chịu thôi. Khoe khoang cái nỗi gì mà phải bật loa cho to lên ? Còn nhiều chuyện nữa...nhưng trước mắt chỉ làm 2 chuyện đó thôi cũng là khá tốt rồi !
Để vận động được nhân dân thì cán bộ nhà nước phải là những người làm gương dẫn đầu.