Xã An Hưng, huyện An Lão:
Nỗ lực giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em
Xã An Hưng, huyện An Lão có 5 thôn nằm cách xa nhau, địa hình phức tạp. Toàn xã có 393 hộ, trong đó hộ nghèo chiếm tới 89,63%, chủ yếu là đồng bào dân tộc Hre, sống bằng nghề nông, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Trình độ dân trí của người dân không đồng đều nên công tác quản lý phụ nữ có thai, trẻ dưới 5 tuổi gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, An Hưng vẫn nỗ lực để kéo giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em.
Chị Đinh Thị Bích Hưng, Trưởng Trạm Y tế xã An Hưng, cho biết: “Trước đây, nhận thức của người dân còn hạn chế, khi trẻ bị đau gia đình để tại nhà cúng bái, sau 3 ngày gia đình mới đưa trẻ đến bệnh viện khám. Không những thế, trong một tháng đầu gia đình chỉ cho sản phụ ăn cháo trắng với muối nên một số bà mẹ sau khi sinh bị thiếu máu, sữa mẹ không đủ dinh dưỡng cung cấp cho trẻ; trẻ em mới sinh được hơn 2 tháng đã phải theo mẹ ra nương rẫy làm việc”.
Tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ tại Trạm Y tế xã An Hưng.
Trước thực tế đó, để triển khai hiệu quả chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, Trạm Y tế xã An Hưng đã chú trọng công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, hành vi có hại cho sức khỏe trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ cho các bậc cha, mẹ, người chăm sóc; đặc biệt là các bà mẹ và phụ nữ mang thai. Trạm đã tổ chức các buổi thực hành dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ có con dưới 24 tháng tuổi trong toàn xã; đưa bài phát thanh trên đài truyền thanh xã về chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; lồng ghép tuyên truyền vào các buổi họp dân tại thôn, tổ chức đến thăm hộ gia đình có con bị suy dinh dưỡng nhằm giúp các bà mẹ thay đổi những thói quen cho trẻ ăn không đúng cách.
Đặc biệt, với đặc thù đời sống người dân còn khó khăn, việc mua sắm thực phẩm còn hạn chế, công tác tuyên truyền chú trọng vào hướng dẫn cho các bà mẹ tận dụng những thực phẩm có sẵn tại nhà để nấu cho trẻ ăn hàng ngày mà vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng. Tư vấn cho các bà mẹ về cho trẻ ăn đúng cách như cho trẻ ăn từ loãng đến đặc, ăn từ ít đến nhiều, không thúc ép trẻ ăn. Cho trẻ ăn phải đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm như chất đạm có thịt, cá, trứng, sữa; chất béo như dầu, mỡ, chất tinh bột như gạo, bắp, khoai; giàu vitamin như rau ngót, rau dền, rau má…
“Nhân lực của Trạm ít mà việc thì nhiều, nhân viên phải làm việc hết mình, nhiệt tình trong công việc mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 5 nhân viên y tế thôn thực hiện theo sự hướng dẫn và chỉ đạo của Trạm để làm các công việc như vận động phụ nữ mang thai đi khám thai tại trạm, trẻ em bị bệnh đưa đến cơ sở y tế để khám không nên cúng bái tại nhà, tuyên truyền cho người dân ý thức trong việc chăm sóc trẻ em. Ngoài ra, y tế thôn còn đến tại nhà hướng dẫn cách nấu cháo dinh dưỡng, trực tiếp vận động các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ”, chị Hưng cho biết thêm.
Chỉ riêng trong năm 2014, Trạm Y tế xã An Hưng đã tư vấn cho 244 lượt phụ nữ mang thai và có con nhỏ tại trạm. Tỉ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi năm 2014 là 25,28% và những tháng đầu năm 2015 là 24,02%, giảm 1,26% so với cùng kỳ năm 2014.
Chị Đinh Thị Nhô, 23 tuổi, ở thôn 1, xã An Hưng, kể: “Tôi đang mang thai đứa đầu tiên được 5 tháng, đến trạm khám tôi đã được cán bộ y tế tuyên truyền về cách bổ sung sắt, canxi. Tôi cũng biết cách chế biến, thay đổi món ăn hàng ngày để con không bị suy dinh dưỡng”.
Chị Hoàng Thị Mỹ Lê, Đội phó phụ trách Đội Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em - Kế hoạch hóa gia đình (Trung tâm Y tế huyện An Lão), nhận định: “Nhiều năm qua, xã An Hưng đã nỗ lực trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ, tỉ lệ suy dinh dưỡng hằng năm đều giảm. Điều này có được là nhờ sự nỗ lực tận tâm của các cán bộ y tế trạm, y tế thôn đã đến từng nhà tư vấn, hướng dẫn người dân thay đổi hành vi trong chăm sóc cho trẻ…”.
THU PHƯƠNG