Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang: Nhiều chuyển biến tích cực
Sau 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 308/2005 của Thủ tướng Chính phủ, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ở các địa phương trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Ngày càng có nhiều hộ gia đình tổ chức cưới hỏi, lễ tang đơn giản, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.
Đổi thay tích cực
Theo đánh giá của UBND thị xã An Nhơn, việc tổ chức đám cưới linh đình dài ngày, nghi lễ rườm rà ở địa phương mình đã giảm rõ rệt. Đại bộ phận nhân dân đều tổ chức nghi lễ giản lược hơn trước nhưng vẫn phát huy phong tục tốt đẹp, loại bỏ dần nét lạc hậu. Các đám tang trên địa bàn thị xã được tổ chức phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa và hoàn cảnh gia đình. Thời gian tổ chức đám tang ngắn ngày đúng theo quy định, hiện tượng rắc tiền thật, rải vàng mã, tiền âm phủ đã giảm đáng kể.
Tục mời trầu trong đám cưới người Bana ở Vân Canh.
Theo thống kê của cán bộ tư pháp ở các xã, thị trấn của huyện Hoài Nhơn, năm 2014 đã có 1.969 đám cưới được tổ chức trên địa bàn, trong đó có 1.965 (tỉ lệ 99,8%) tiệc cưới được tổ chức theo quy định thực hiện nếp sống văn minh. Ông Nguyễn Văn Diệt (74 tuổi), người dân thôn Kim Giao Nam, xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, nhìn nhận: “Đám cưới được tổ chức ở thôn quê những năm qua có xu hướng thoáng mở hơn trong các phong tục, lễ nghi. Nếu như ngày xưa một đám cưới phải tiến hành qua 6 lễ, thì nay phổ biến xu hướng giản lược còn 3 lễ chủ yếu là thăm nhà, lễ hỏi và lễ cưới. Lễ vật cưới cũng ngày càng đơn giản, tinh gọn, theo thỏa thuận phù hợp với điều kiện của hai bên gia đình…”. Trong hương ước của 155 khu dân cư trên địa bàn huyện Hoài Nhơn đều có quy định khá chặt chẽ về việc tổ chức đám tang.
Tổ chức việc cưới, việc tang ở các huyện miền núi cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tại huyện Vĩnh Thạnh, hiện tượng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng giảm, đăng kí kết hôn được thực hiện. Trong việc tang, nhờ quy hoạch đất các nghĩa trang, nghĩa địa và vận động nhân dân chôn cất người mất đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường… nên không còn tình trạng chôn cất người chết trên đất sản xuất, trong khuôn viên gia đình. Các hủ tục lạc hậu trong đám tang của đồng bào dân tộc Bana ở huyện Vĩnh Thạnh cũng giảm đáng kể.
Ở huyện An Lão, các lễ cưới, đám tang của cán bộ và nhân dân được tổ chức có nhiều tiến bộ. Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: “Đồng bào dân tộc không còn thách cưới như trước đây mà tổ chức những đám cưới đơn giản, tiết kiệm nhưng vui vẻ phù hợp với gia đình, địa phương. Những hủ tục như tổ chức đám tang mà ăn uống linh đình, chia của cho người chết gây lãng phí, tốn kém, hình thức huyền táng (mộ treo) ở rừng ma gần khu dân cư gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường đã được loại bỏ trong đồng bào dân tộc…”.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền
Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vừa tổ chức Hội thảo về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 308/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Tham gia Hội thảo, nhiều đại biểu đã nêu ra những tồn tại hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Bà Vũ Thị Nga, Trưởng Phòng Tuyên truyền - Văn hóa văn nghệ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đánh giá: “Có nơi còn bàng quan trước xu hướng tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội vì mục đích trục lợi, lãng phí, gây hại đến thuần phong mỹ tục và tình nghĩa cộng đồng, ảnh hưởng đến chất lượng phong trào “TDĐKXDĐSVH”…”.
Ông Hồ Sỹ Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đề nghị: “Ngành Văn hóa - Thông tin các cấp có kế hoạch hướng dẫn những nghi thức phù hợp trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đề xuất bảo tồn những phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương. Các địa phương dựa vào các quy định này mà cụ thể hóa và vận dụng thích hợp với điều kiện của từng vùng, miền trong đồng bào các dân tộc, đồng bào có đạo; khắc phục các tập quán lạc hậu và hình thành những tập quán mới tiến bộ…”.
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, nhận thức trách nhiệm và ý thức của một bộ phận bà con đồng bào dân tộc thiểu số một số nơi về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang chưa cao. Một số hộ gia đình tổ chức đám cưới, đám tang còn lãng phí, cá biệt có đám cưới, đám tang còn tổ chức với nhiều khoản chi vượt khả năng tài chính, dẫn đến phải bán cây non, bán trâu bò, đất rẫy để trả nợ.
Tình trạng phổ biến chung ở nhiều địa phương đó là một số cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, các gia đình có điều kiện kinh tế tổ chức đám cưới mời rất đông khách, gây dư luận không tốt. Có những đám tang vẫn còn phúng viếng quá nhiều vòng hoa, bức trướng tốn kém. Một số hộ khá giả, trong đó có gia đình cán bộ công chức vẫn còn thể hiện rõ tính phô trương trong việc xây cất phần mộ to lớn cho người thân qua đời, tạo sự phản cảm trong quần chúng nhân dân.
Công tác quản lý những vấn đề liên quan đến tâm linh, tình cảm, tới truyền thống đã tồn tại trong cộng đồng nhiều đời là một việc vô cùng phức tạp, khó khăn. Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao hiệu quả các giải pháp tuyên truyền một cách linh hoạt, chứ không nên thực hiện một cách máy móc, dùng biện pháp hành chính để giải quyết. Đồng thời xây dựng hương ước, quy ước ở khu dân cư về tổ chức cưới xin, tang ma như là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả xây dựng đời sống văn hóa.
HOÀI THU