Thành lập tòa án và viện kiểm sát nhân dân sơ thẩm khu vực:
5 vấn đề cần quan tâm
Hiện nay, trong cả nước nói chung, Bình Định nói riêng đã và đang xúc tiến việc thành lập tòa án và viện kiểm sát nhân dân (VKS) sơ thẩm khu vực theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2.5.2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thì việc thành lập tòa án và VKS sơ thẩm khu vực này cũng sẽ gặp một số khó khăn, vướng mắc. Báo Bình Định xin giới thiệu quan điểm của tác giả Phạm Dân về vấn đề này.
Thứ nhất, việc thành lập tòa án và VKS khu vực để giảm bớt đầu mối nhưng đã bộc lộ sự mâu thuẫn với việc tạo điều kiện thuận lợi cho dân. Thực tế cho thấy, không phải tất cả các vụ án, vụ kiện nào cũng lớn và phức tạp. Trong tổng số 6 tòa khu vực dự kiến được thành lập tại tỉnh ta, thì Quy Nhơn, An Nhơn vẫn giữ nguyên và đổi tên; còn lại sáp nhập 2-3 huyện thành 4 tòa khu vực khác (Tuy Phước và Vân Canh; Tây Sơn và Vĩnh Thạnh; Phù Cát và Phù Mỹ; Hoài Nhơn, Hoài Ân và An Lão). Do đó, những người tham gia tố tụng, trước đây lẽ ra chỉ đi 10-20 km thì khi thành lập tòa án, VKS khu vực, họ phải vượt cả 50-70 km để tham gia tố tụng, mất thời gian và tiền bạc, đi ngược với tiêu chí “tạo điều kiện thuận lợi cho người dân”.
Bên cạnh những thuận lợi, việc thành lập tòa án và VKS khu vực sẽ gặp một số khó khăn, vướng mắc từ thực tế (ảnh minh họa). Ảnh: THU HÀ
Thứ hai, quan điểm cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân. Tuy nhiên, theo tôi, việc thành lập tòa án và VKS khu vực, dù chưa được tiến hành nhưng dự báo sẽ xuất hiện một khoảng trống trong việc kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Vì lẽ, khi thành lập tòa án và VKS khu vực thì cấp ủy, hội đồng nhân dân cấp huyện nắm thông tin về công tác kiểm sát và xét xử qua kênh nào; chế độ giao ban, trực báo ra sao; đặc biệt là đối với việc xử lý thông tin qua các kiến nghị của cử tri về các bản án không hợp lòng dân.
Thứ ba, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Phân công đồng chí cấp ủy viên có trình độ, năng lực, uy tín và bản lĩnh bổ nhiệm làm viện trưởng viện kiểm sát và chánh án tòa án nhân dân các cấp”. Vậy thì, cấp ủy viên ở đây là cấp ủy viên cấp nào. Một huyện ủy viên ở Đảng bộ huyện Hoài Nhơn (nơi có trụ sở tòa án, VKS khu vực) không thể nào “ảnh hưởng” đối với huyện Hoài Ân và An Lão trong cùng khu vực. Nếu là cấp tỉnh thì khó khả thi do lượng cấp ủy viên theo cơ cấu ngành có giới hạn. Nếu thành lập 6 tòa án khu vực thì Đảng bộ tỉnh không thể dành cho 2 ngành tòa án và VKS đến 14 cấp ủy viên, gồm 2 đồng chí ở tỉnh và 12 đồng chí ở tòa án và VKS khu vực.
Thứ tư, mối quan hệ giữa các cơ quan tố tụng, nhất là giữa cơ quan điều tra và VKS sẽ như thế nào mỗi khi cần xử lý tin báo tội phạm. Bởi vì, thông thường theo quy chế phối hợp, VKS và cơ quan điều tra xử lý tin báo tội phạm hàng tuần; tương tự như vấn đề khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi ở các địa bàn khác nhau trong khu vực… VKS khó có thể kịp thời cử lãnh đạo và kiểm sát viên từ Hoài Nhơn đến các huyện Hoài Ân, An Lão để tham gia kiểm sát mọi hoạt động điều tra theo quy định.
Mặt khác, giữa các cơ quan tư pháp còn có quan hệ mật thiết trong nhiều hoạt động tố tụng khác nên có ý kiến cho rằng, VKS và tòa án dùng trụ sở cấp huyện hiện có để làm chi nhánh, phân công lãnh đạo trực để xử lý công việc hàng ngày. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ không ổn vì không có cơ chế nào cho một cơ quan được phép sử dụng nhiều con dấu; đồng thời không đảm bảo về tính pháp lý khi tòa án và viện kiểm sát sử dụng con dấu theo hình thức chi nhánh.
Thứ năm, để giải quyết vướng mắc tiêu chí thành lập Đảng bộ phải có ít nhất từ 500 đảng viên theo Quy định 45-QĐ/TW, ngày 1.11.2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thi hành Điều lệ Đảng; nên chăng thành lập Đảng bộ khối các cơ quan tư pháp Bình Định chứ không phải riêng Đảng bộ tòa án hay VKS. Đối với tổ chức đoàn thể cơ quan nên trực thuộc cấp huyện nơi có trụ sở tòa án và VKS khu vực để có sự gắn kết với phong trào chung của địa phương.
PHẠM DÂN