Phục dựng “Sao Khuê trời Việt”
Nhà hát tuồng Ðào Tấn vừa phục hồi, nâng cao vở “Sao Khuê trời Việt” và tổng duyệt báo cáo vở diễn vào tối 24.6. Vở diễn làm người xem xúc động về một giai đoạn lịch sử với những anh hùng dân tộc đã trở thành ngôi sao sáng trên bầu trời Tổ quốc.
1.
“Sao Khuê trời Việt” là một trong những vở tuồng lịch sử nổi tiếng của tác giả Tống Phước Phổ (mất năm 1991, được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên năm 1996) sáng tác khi ông làm việc ở Nhà hát tuồng Đào Tấn từ sau ngày giải phóng. Nội dung vở diễn nói về giai đoạn Nguyễn Trãi sống tại thành Đông Quan, dồn nhiều tâm huyết viết Bình Ngô sách, truyền dạy học trò. Tướng giặc đến mời mọc ông cộng tác với nhiều danh lợi nhưng Nguyễn Trãi từ chối, để rồi chọn con đường đến Lam Sơn trợ giúp cho Lê Lợi kháng chiến. Tại Hội thề Lũng Nhai, Nguyễn Trãi dâng Bình Ngô sách cho Lê Lợi, vạch ra nhiều chiến lược quan trọng để chiến thắng quân Minh. Sau đó, khi quân giặc lên núi Chí Linh vây hãm đại bản doanh và dồn quân của Lê Lợi vào đường cùng, Nguyễn Trãi đã hiến kế cho Lê Lai đóng giả Lê Lợi ra khiêu chiến quân địch và hy sinh, giúp cho Lê Lợi thoát khỏi vòng vây. Sau khi gầy dựng lại lực lượng, Lê Lợi đã đánh chiếm nhiều thành khiến tướng giặc Vương Thông phải hoảng sợ, một mặt gửi thư xin giảng hòa, mặt khác xin viện binh và sau đó phải xin hàng.
Đến xem tổng duyệt, ông Nguyễn Văn Tài (65 tuổi), một khán giả hâm mộ tuồng, nhà ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, bày tỏ: “Tôi thấy tâm đắc khi được xem một vở tuồng đề cao truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, với những bậc anh hùng tài trí như Lê Lợi, Nguyễn Trãi, những người sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn như Lê Lai, khi vấn đề chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đang là thời sự. Ở đoạn kết vở diễn, có gì đó thật cảm xúc trong tôi khi nghe vang lên những câu bất hủ trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi”.
2.
Trong ê kíp phục dựng vở tuồng “Sao Khuê trời Việt”, có sự đóng góp quan trọng của hai nghệ sĩ về hưu của Nhà hát tuồng Đào Tấn là NSND Nguyễn Thị Hòa Bình (chịu trách nhiệm phục dựng) và NSƯT Đào Duy Kiền (sáng tác âm nhạc). Vở diễn không đặt nặng những đại cảnh kéo dài không cần thiết mà dành nhiều “đất” cho các diễn viên thể hiện những mảng miếng đặc sắc và lột tả được những chiều sâu nội tâm, tính cách nhân vật. Một số cảnh của vở diễn đã tạo nhiều cảm xúc như khi Lê Lai quyết định “đem thân cứu chúa” thì giây phút Lê Lợi, Nguyễn Trãi chia tay Lê Lai thật cảm động trong từng lời hát, lối diễn… Âm nhạc hỗ trợ hiệu quả cho diễn xuất trên sân khấu và tạo sự lôi cuốn, dẫn dắt cảm xúc cho người xem.
NSND Xuân Hợi đã thể hiện thành công vai Nguyễn Trãi, nhân vật giữ vai trò trung tâm xuyên suốt vở diễn. Bằng diễn xuất tinh tế, giàu cảm xúc, Nguyễn Trãi đã hiện lên sáng ngời “Sao Khuê trời Việt” tài đức hiếm có, hội đủ phẩm chất của một nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà văn hóa… NSND Minh Ngọc cũng diễn xuất tốt vai Lê Lợi, một người anh hùng dân tộc giàu nghĩa khí, bậc quân vương sáng suốt biết trọng dụng người tài. Ở tuyến nhân vật đối lập, nghệ sĩ Đình Trương đã thực sự hóa thân vào vai tướng giặc Vương Thông, thể hiện rõ được tính cách cùng những sự chuyển biến cảm xúc từ hung bạo, ngạo mạn, xảo quyệt đến run sợ, hèn nhát khi thảm bại.
Tiếp tục được các thế hệ nghệ sĩ đi trước dìu dắt chỉ dẫn, tạo điều kiện tham gia vở diễn, những gương mặt trẻ như Ngọc Nhân (vai Lê Lai), Thái Phiên (vai Chí Trung), Cẩm Nhung (vai Trinh Nương), Công Trực (vai Hào Cẩn)… đã thể hiện được sự trưởng thành trong diễn xuất, góp phần đem đến sự tươi trẻ trong lực lượng diễn viên tham gia và thành công cho vở diễn.
NSƯT Gia Thiện, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Ðào Tấn, cho biết: “Sau diễn báo cáo tổng duyệt và đón nhận góp ý của người xem, Nhà hát sẽ tiếp tục hoàn thiện vở diễn trước khi công diễn phục vụ nhân dân và tham gia Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ vào tháng 9.2015”.
HOÀI THU