Thôn “Nam tiến” bán vé số
Thôn Vĩnh Ðức, xã Ân Tín (Hoài Ân) có 600 hộ gia đình nhưng có gần 100 hộ có người vào Nam làm ăn, chủ yếu bán vé số.
Ông Huỳnh Hữu Trường, Phó Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Đức, nói: “Trước năm 2012 ở địa phương có vài người vô Nam làm ăn, chủ yếu là bán vé số ở TP Hồ Chí Minh, không ngờ cái nghề này lại cho thu nhập khá. Người dân truyền tai nhau nên giờ thanh niên trong làng lũ lượt vào Nam hết, hộ đi nhiều nhất là 4 người, ít cũng 2 người. Ở thôn bây giờ chỉ còn người già và con nít, hiếm khi thấy thanh niên”.
Bà Phạm Thị Nguyệt (65 tuổi, xóm 2) từng có 4 đứa con vào Nam kiếm sống, kể: “Vợ chồng mấy đứa con đều vào trong đó, đứa làm công nhân, đứa bán vé số dạo. Có lúc tôi ở nhà chăm 5 đứa cháu cả nội lẫn ngoại. Hai năm nay con trai lớn của tôi về nhà làm rẫy, chỉ còn vợ nó với vợ chồng thằng út ở lại TP Hồ Chí Minh”.
Chuyện những cặp vợ chồng trẻ gửi con lại cho ông bà nội, ngoại trông coi, rồi dắt díu nhau vào Nam kiếm sống như con của bà Nguyệt, ở thôn Vĩnh Đức không hiếm. Trường hợp gia đình ông Lê Văn Chở (70 tuổi) và vợ là Nguyễn Thị Chín (65 tuổi) ở xóm 1 là một ví dụ. Ban đầu con trai lớn của ông Chở là Lê Văn Thiệt vào TP Hồ Chí Minh bán vé số; thấy làm ăn được, vợ Thiệt dù mới sinh con đầu lòng 3 tháng cũng theo chồng vào bán vé số, để con ở nhà cho mẹ chồng chăm. Khi đứa con thứ 2 ra đời, vợ chồng Thiệt cũng mang về cho ông bà nội chăm nốt. Còn vợ chồng anh Trương Quang Đức (ở xóm 5) đều gửi hai con (lớn học lớp 4, đứa nhỏ học mẫu giáo) cho ông bà ngoại ở xóm 1 chăm để đi bán vé số. Mỗi tháng họ kiếm được 12 triệu đồng, ngày Tết bán đắt hơn nên có những năm Tết cũng không về.
Người dân ở Vĩnh Đức cho biết, tuy bôn ba, vất vả xứ người nhưng bán vé số ở TP Hồ Chí Minh cho thu nhập cao hơn ba, bốn lần so với làm nông ở quê. Cũng nhờ vậy mà họ xây nhà, mua xe, có tiền lo cho con ăn học. Từ năm 2009 trở lại đây khi việc làm thuận lợi, nhiều gia đình đã quan tâm đến chuyện học hành của con cái nhiều hơn. Điển hình như ở xóm 5 (có 10 người đi bán vé số) hiện có 10 em đang học đại học, hơn 10 em đang học cao đẳng và 20 em học trung cấp. “Như tui, bán vé số mấy năm mới có tiền lo cho 2 đứa con học đại học ở TP Hồ Chí Minh”, ông Võ Văn Đoàn (40 tuổi), đã 7 năm bán vé số ở thành phố này, nói.
Ông Huỳnh Quang Chánh, Bí thư Đảng ủy xã Ân Tín, nhận xét: “Ở xã Ân Tín, thôn nào cũng có người vào Nam làm ăn nhưng nhiều nhất vẫn là Vĩnh Đức. Vào Nam nhiều gia đình làm ăn được nhưng nảy sinh hệ lụy: con cái thiếu thốn tình cảm cha, mẹ; người già thì sống đơn độc không ai chăm sóc; làng xóm đìu hiu. Như bà Nguyệt đau nặng nhưng không có con bên cạnh, còn lũ cháu nhỏ quá không biết gì, may nhờ hàng xóm phát hiện đưa đi bệnh viện kịp thời mới qua khỏi. Hay con đầu của anh Thiệt vì thiếu sự chăm sóc của cha mẹ bị bệnh động kinh phải bỏ học. Đã vậy, mẹ của cháu do dan díu với người đàn ông khác trong TP Hồ Chí Minh đã bỏ đi luôn không về nữa”.
NGUYỄN HỒNG PHÚC