Ðưa thêm trí thức trẻ về nông thôn, miền núi
Ngày 24.6, Sở Nội vụ tổ chức gặp mặt 15 trí thức trẻ ưu tú trước khi họ về nhận nhiệm vụ tại các xã. Ðây là số trí thức trẻ được tuyển chọn để tăng cường về 15 xã thuộc vùng khó khăn của tỉnh nhằm giúp chính quyền và người dân địa phương phát triển KT-XH, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Tuyển chọn chặt chẽ
Theo ông Ngô Văn Hương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, sau những thành công nhất định của Dự án thí điểm tuyển chọn 20 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó chủ tịch UBND xã (gọi tắt là Dự án 600) thuộc 3 huyện nghèo của tỉnh, Bình Định tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ chọn để thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (gọi tắt là Đề án 500).
Đề án 500 tập trung tuyển chọn đội viên có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của chính quyền cơ sở. Sau khi khảo sát nhu cầu thực tế, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất tuyển chọn 15 trí thức trẻ, với 3 loại chức danh công chức: văn phòng - thống kê (5 chỉ tiêu), địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (8 chỉ tiêu), văn hóa - xã hội (2 chỉ tiêu) để tăng cường về làm việc tại 15 xã thuộc 6 huyện: Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh.
Theo Sở Nội vụ, Hội đồng tuyển chọn đội viên Đề án 500 đã làm việc công tâm, tích cực để lựa chọn ra 15 người ưu tú nhất, đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định, trong số 185 ứng viên tham gia phỏng vấn. Sau khi được tuyển chọn, các trí thức trẻ đã tham gia và hoàn thành lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và các kỹ năng cần thiết khác do Bộ Nội vụ tổ chức, cũng như đi thực tế tại xã dự kiến được phân công công tác.
Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ
Tại buổi gặp mặt các trí thức trẻ trước khi họ lên đường nhận nhiệm vụ, ông Ngô Văn Hương nhắn nhủ: 15 xã của tỉnh thực hiện Đề án 500 đều là các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; điều kiện thời tiết khắc nghiệt cùng với phương thức sản xuất, canh tác còn lạc hậu, dẫn đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nghèo nàn, gặp nhiều khó khăn. Do vậy, các trí thức trẻ được phân công về đây công tác phải phát huy nhiệt huyết của tuổi trẻ, giữ vững bản lĩnh chính trị, vượt qua khó khăn, thử thách, đem sức lực và trí tuệ của mình cùng với UBND các xã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương; ra sức học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, nắm chắc các chính sách, pháp luật của nhà nước để thực thi nhiệm vụ; phải khiêm tốn, cầu thị, thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm công tác từ những người đi trước; chịu khó tìm hiểu, nắm bắt phong tục tập quán cũng như tiềm năng thế mạnh của địa phương để có những đề xuất, sáng kiến đúng đắn, đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH của địa phương.
Cũng tại buổi gặp mặt, các đội viên Đề án 500 đã được các đội viên Dự án 600, như: Trần Trọng Kim, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), Trần Xuân Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Liên (Vân Canh), Nguyễn Xuân Đào, Phó Chủ tịch UBND xã An Toàn (An Lão) chia sẻ những kinh nghiệm công tác tại các xã vùng khó khăn trong 3 năm qua.
Chị Thanh Thị Tuyền (27 tuổi, ở xã Canh Hòa, Vân Canh, tốt nghiệp ĐH ngành Nông học) được phân công về phụ trách công tác địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường của UBND xã Canh Liên (Vân Canh) bày tỏ: “Với sức trẻ và quyết tâm giúp xã phát triển KT-XH, thoát nghèo, tôi cũng như các đội viên khác của Đề án 500 sẽ cố gắng để mau chóng nắm bắt tình hình địa phương nơi mình nhận nhiệm vụ, vận dụng những kiến thức của mình, đồng thời học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp và những thế hệ đi trước để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Còn chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (23 tuổi, ở xã An Hòa, An Lão, tốt nghiệp ĐH chuyên ngành Luật hành chính), được phân công về làm công tác văn phòng - thống kê của UBND xã An Toàn (An Lão), thì quả quyết: “Dù biết nhiệm vụ phía trước gặp nhiều khó khăn những tôi tự nhủ sẽ nỗ lực khắc phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ khi về xã công tác”.
NGUYỄN PHÚC