“Hạ nhiệt” chuyện thu phí, lệ phí
Tuần trước, diễn đàn Quốc hội đã bất ngờ “nóng” lên vì chuyện con gà, quả trứng phải “cõng” tới 14 khoản phí, lệ phí để đến tay người tiêu dùng. Nhiều người chăn nuôi và cơ sở giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia cầm cho biết thêm rằng con gà, quả trứng không chỉ bị 14 loại phí, lệ phí “đè” mà còn nhiều loại phí, lệ phí khác cần bãi bỏ. Và đó cũng chính là lý do vì sao giá trứng, gà ở Việt Nam cao hơn các nước xung quanh nhưng người chăn nuôi ở Việt Nam vẫn cứ thua lỗ triền miên và thị trường bị sản phẩm ngoại chiếm lĩnh.
Chính vì vậy, ngay sau khi báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét bãi bỏ những loại phí, lệ phí kiểm dịch thú y đang “trói” con gà, quả trứng trước khi đến được tay người tiêu dùng. Bộ Tài chính đã đồng tình với đề nghị này và cho biết, ngoài 14 khoản phí và lệ phí nói trên, Bộ này dự kiến sẽ bãi bỏ 31 khoản phí, lệ phí quy định trong Thông tư 04 năm 2012 liên quan đến công tác kiểm dịch thú y nói chung.
Đây có lẽ là một tin vui với người chăn nuôi trong cả nước khi họ không còn phải gánh chịu những loại phí, lệ phí bất hợp lý (chiếm khoảng 5% giá thành chăn nuôi) áp đặt lên ngành nghề sản xuất, kinh doanh của mình. Không chỉ đỡ mất tiền “oan”, việc loại bỏ các loại phí, lệ phí còn bớt rất nhiều sự phức tạp về thủ tục, mất thời gian “đi kèm” cho người chăn nuôi và doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm này. Do đó, việc loại bỏ các loại phí, lệ phí bất hợp lý “đè” lên sản phẩm không chỉ tăng thêm lợi nhuận mà còn là động lực kích thích tăng trưởng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản xuất trong nước.
Không dừng lại ở đó, mới đây Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về phí, lệ phí thời kỳ năm 2013 - 2014 tại một số Bộ, ngành, địa phương.
Qua kiểm tra, Bộ Tài chính thấy rằng, việc ban hành chế độ thu phí, lệ phí và các văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách về phí, lệ phí còn chậm, chưa đúng thẩm quyền, chưa đúng quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Ngoài ra, một số địa phương chưa chấp hành nghiêm quy định về quản lý, thực hiện thu phí, lệ phí. Một số cơ quan, đơn vị thu một số loại phí, lệ phí khi chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định; không thu hoặc thu với mức thu chưa đúng quy định, thu các khoản có tính chất trùng với phí trên cùng một đối tượng…
Trước thực tế này, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát lại việc ban hành chế độ thu phí, lệ phí và các văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền; đề xuất bãi bỏ hoặc bãi bỏ theo thẩm quyền các loại phí, lệ phí không còn phù hợp hoặc theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan chức năng nhằm đảm bảo đúng quy định của pháp luật về phí, lệ phí hiện hành, đồng thời phù hợp với thực tế của từng Bộ, ngành, địa phương.
Đối với các loại phí, lệ phí trong danh mục phí, lệ phí nhà nước quy định có phát sinh tại Bộ, ngành, địa phương nhưng chưa ban hành chế độ thu hoặc danh mục phí, lệ phí đã có chế độ thu nhưng mức thu không còn phù hợp thực tế, cần sớm xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành chế độ thu kịp thời, đầy đủ, điều chỉnh mức thu phù hợp với thực tế đảm bảo đúng chế độ quy định của Nhà nước.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu “Ngừng ngay việc thu các khoản phí, lệ phí cao hơn mức quy định hoặc không trong danh mục phí, lệ phí được cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định hiện hành”. Cùng với đó, trong quá trình quản lý thu phí, lệ phí cần thực hiện nghiêm theo đúng quy định của pháp luật về phí, lệ phí hiện hành. Tránh để xảy ra tình trạng tự đặt ra và thu các khoản gọi là phí, lệ phí không đúng chế độ; đã có quy định thu nhưng không thực hiện dẫn đến thất thu; thu cao hoặc thấp hơn mức quy định; thu không kịp thời dẫn đến nợ đọng, khó có khả năng thu hồi…
Hy vọng rằng với sự điều chỉnh nói trên, độ “nóng” về chuyện thu phí, lệ phí sẽ được “hạ nhiệt” và không là lực cản cho sản xuất, kinh doanh trong nước.
H.Đ
Có ai dám khẳng định bãi bỏ các loại phí, lệ phí trong thú y có giảm được giá thành không? Ai được hưởng lợi? người nuôi, người tiêu dùng hay thương lái hay công ty sản xuất thức ăn? Giá thành trong chăn nuôi là do giá thức ăn quyết định, thử kiểm soát chặt chẻ giá thức ăn xem có giảm được giá thành không?