Vị chua quê mẹ
Mẹ tôi quê Bắc lấy chồng bộ đội rồi vào định cư luôn xứ Nẫu quê chồng. Gần hai phần ba đời người ở quê chồng, ăn, nấu món nhà chồng thành thục rặt như dân bản địa, nhưng thi thoảng mẹ vẫn nhớ các món ăn quê mình, nhất là vị chua.
Mẹ bảo ở ngoài Bắc do thời tiết khắc nghiệt, không có chanh quanh năm như ở trong này nên người ta thường dùng dấm thay cho chanh trong các món trộn. Nấu canh chua thì dùng quả tai chua, quả sấu hay mẻ chứ ít ai dùng me, lá giang. Vậy nên, mỗi lần mẹ từ ngoài quê vào, thể nào cũng mang theo một bì khô tai chua xắt lát mỏng, vài cân sấu xanh làm quà cho mấy người bạn đồng hương, thậm chí có hôm mẹ còn đem theo một lọ mẻ giống để tự làm.
Mỗi lần luộc rau muống, vớt rau ra xong mẹ thả vào đó một vài lát tai chua, hoặc vài quả sấu xanh. Thú thật, với chị em tôi, tai chua hay sấu có vị chua gắt, không dịu như vị của chanh như đã thường ăn, nên khi “lên mâm” ăn cũng không mấy “nhiệt tình”. Còn với mẹ, đó không hẳn là một gia vị hay một món ăn thông thường mà gói trong đó là tình yêu quê nhà.
Tôi nhớ, ngày còn nhỏ chị em tôi không dám ăn canh chua nấu mẻ khi một lần “mục sở thị” lọ mẻ của mẹ, hình như trong đó có sự chuyển động của hàng ngàn, hàng triệu triệu vi sinh vật. Nhưng ăn riết rồi đâm ghiền, giờ các con lại nghiện món canh chua cá, canh chua sườn non nấu mẻ hay ướp với sườn non, thịt ba chỉ nướng thì chỉ biết có khen ngon...
Mẹ còn có món dưa bắp cải muối xổi theo kiểu Bắc. Bắp cải mua về, rửa sạch cho ráo; nấu nước sôi để hơi âm ấm rồi hòa chút muối hột, gạn lấy nước trong, cho thêm xíu đường để trong thố hay hũ thủy tinh, rồi nhận bắp cải vào cho ngập mặt nước, xắt thêm ít rau răm trộn vào. Chỉ hai ngày sau là có món dưa cải muối xổi chua chua thơm mùi của rau răm. Thêm chén nước mắm nhỉ xắt ớt chỉ thiên cho thiệt cay là “đủ bộ”.
Vị chua quê Bắc của mẹ đã làm phong phú thêm món ăn thường ngày của gia đình. Hôm rồi tiễn thằng cháu đi học xa, nó dặn bà ngoại: “Hai tháng nữa con về ngoại nhớ làm món thịt ba chỉ nướng mẻ nhé”, nghe thiệt thương, thiệt tội.
HOÀNG LAN