Ông hiệu trưởng “đổi mới”
Ðồng nghiệp và những người yêu mến gọi anh như vậy, vì ở những nơi được phân về công tác, anh luôn tạo ra sự thay đổi, mới mẻ. Anh cũng tự nhận mình không phải là tuýp người “ở yên”. Ðó là anh Lê Văn Dư, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Ðình Chiểu (thị xã An Nhơn).
Cách đây 8 năm, anh được điều từ Phòng GD&ĐT thị xã An Nhơn về làm Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. Ngôi trường bán công này ngày ấy thiếu thốn đủ thứ: phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện, giáo viên.... Vì là trường xét tuyển nên chất lượng đầu vào rất thấp. Đa số học sinh là con em gia đình lao động khó khăn, phụ huynh ít quan tâm, phó thác cho trường. Chất lượng giáo dục, vì vậy mà cũng “nổi trôi”.
Muốn dạy tốt, phải chăm lo đời sống giáo viên
Ngày ấy, ngồi trong căn phòng hiệu trưởng đơn sơ, anh Lê Văn Dư nghĩ mãi: Cơ số giáo viên, nhân viên thiếu rất nhiều theo quy định, trong khi trường chỉ hợp đồng thỉnh giảng một vài người, một số ít khác thì hợp đồng không đóng bảo hiểm và không hưởng các chế độ quy định. Lương thấp, không được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), ràng buộc giữa trường với giáo viên lỏng lẻo, bấp bênh nên mỗi đầu năm học, người này người nọ nhấp nha nhấp nhổm xin chuyển đi, số ở lại cũng không yên ổn. Không an cư sao lạc nghiệp được.
“Biết mẹ trông nhận Bảng danh dự hàng tháng, con trai tôi luôn nỗ lực học tập, xem đó là món quà tặng mẹ. Tôi cũng tự hào lắm, thường đem khoe với mấy chị hàng xóm”
Chị NGUYỄN THỊ THÚY LOAN - phụ huynh học sinh khối 10, ở phường Bình Định, TX An Nhơn
Vậy là anh quyết định ký hợp đồng dài hạn với hơn 40 giáo viên, nhân viên, trích kinh phí đóng BHXH, y tế cho tất cả cán bộ, giáo viên đã hợp đồng trước đó, đồng thời thực hiện đầy đủ chế độ hiện hành đối với người lao động. Nhờ vậy, khi trường chuyển sang loại hình trường công lập tự chủ đã có 36 giáo viên, nhân viên đủ điều kiện xét tuyển đặc cách vào biên chế đợt 1; 9 người đủ điều kiện để xét đặc cách tiếp theo.
Cầm quyết định tuyển dụng của Sở GD&ĐT trên tay, cô Nhàn, thầy Tuyến, thầy Hòa, thầy Đức, cô Nữ và rất nhiều giáo viên, nhân viên tâm sự: “Trước đây giảng dạy ở trường nhiều năm, một số thầy cô hợp đồng thậm chí phải làm đơn xin tự nguyện đóng BHXH, giờ được trường đóng cho, giáo viên chúng em được vào biên chế…, thật hạnh phúc và thấy yêu nghề hơn nhiều lắm”.
Tiền lương, chế độ được đảm bảo, giáo viên toàn trường ra sức phấn đấu công tác tốt. Anh lại đề ra biện pháp xây dựng tập thể lao động tiên tiến, tập thể lao động xuất sắc vì cho rằng, phải có tập thể tốt thì ngôi trường mới phát triển bền vững. Đó là vào năm học 2008-2009.
Một loạt các nhóm giải pháp để xây dựng tập thể lao động tiên tiến, lao động xuất sắc của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đã được chính anh soạn thảo và đưa ra bàn bạc nhất trí trong toàn trường, góp phần tạo chuyển biến nhận thức, dần tạo nền nếp cần có trong môi trường giáo dục ở một ngôi trường bán công. Vậy nhưng, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn có lời ra tiếng vào, vẫn có người nghi ngờ về hiệu quả việc làm.
“Cách làm của tôi là tranh luận thẳng thắn với tất cả ý kiến trái chiều, trước tập thể hội đồng trường. Nếu quan điểm việc làm của tôi không đủ sức thuyết phục, tôi sẵn sàng chọn cách làm khả thi hơn. Tương tự như vậy
trong nhiều chuyện khác, chẳng hạn phân công chủ nhiệm đầu năm học, tôi và đồng chí Phó Hiệu trưởng thường xuyên tranh luận để tìm ra giải pháp tối ưu”, anh chia sẻ.
Trường bán công cũng phải có học sinh giỏi cấp tỉnh
Không ít người đã bật cười khi nghe anh nêu ý tưởng ấy, là bởi trong suy nghĩ của họ, học sinh bán công chịu học là thầy cô đã mừng lắm rồi. Có được học sinh giỏi cấp trường cũng khó như “hái sao trên trời”. Nhưng anh không nói suông mà còn nghĩ cách thực hiện bằng được việc ấy.
Đúng là học sinh đầu vào đều xét tuyển từ những học sinh không trúng tuyển vào các trường THPT công lập, nên các em thiếu động cơ, động lực học tập; chất lượng học lực yếu kém.
Cho rằng, đa số học sinh của trường đều mang nặng nỗi mặc cảm về học tập trong khi việc động viên, khen thưởng học sinh phải đợi đến sơ kết học kỳ 1, tổng kết năm học như vậy là thiếu kịp thời, anh nghĩ cách khen tặng Bảng danh dự hàng tháng cho học sinh để vinh danh dưới cờ những em có thành tích trong học tập có vị thứ từ 1-5 ở mỗi lớp. Và điều này đã phát huy hiệu quả rất tốt suốt 5 năm học qua.
Anh giải thích: “Ý tưởng của tôi được đa số anh em ủng hộ. Tôi xây dựng cơ chế tính điểm hàng tháng cho mỗi lớp. Bảng điểm gồm các môn: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Tiếng Anh, Địa lý, Kỹ thuật. Mỗi môn có từ 1 đến 2 cột điểm. Sau khi xây dựng bảng điểm, chúng tôi đăng tải bảng điểm của mỗi lớp lên thư mục điểm hàng tháng ở website của nhà trường để giáo viên nhập điểm, sau đó nhà trường xử lý kết quả. Hình thức kiểm tra gồm kiểm tra miệng; kiểm tra viết 15 phút, 1 tiết hoặc trên 1 tiết, kiểm tra thực hành. Trong 1 tháng, mỗi môn học có từ 1 đến 2 cột điểm để nhập vào bảng điểm”.
Sau 5 năm học thực hiện, biện pháp khen tặng Bảng danh dự hàng tháng, động lực thi đua học tập của học sinh được nâng cao. Tỉ lệ học sinh học tập bộ môn đạt từ trung bình trở lên tăng cao. Các em có ý thức thực hiện tốt nội quy nhà trường. Tinh thần trách nhiệm của cán bộ, giáo viên ngày càng nâng lên so với trước.
Cầm trên tay Bảng danh dự của cậu con trai học lớp 10, chị Nguyễn Thị Thúy Loan - phụ huynh học sinh, nhà ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn) cứ xuýt xoa: “Biết mẹ trông nhận Bảng danh dự hàng tháng, con trai tôi luôn nỗ lực học tập, xem đó là món quà tặng mẹ. Tôi cũng tự hào lắm, thường đem khoe với mấy chị hàng xóm”.
Trên thực tế, biện pháp khen tặng Bảng danh dự hàng tháng phát huy hiệu quả rất tốt. Nhờ vậy, thống kê trong 5 năm qua, trường đã có nhiều học sinh từ học yếu, trung bình đã vươn lên khá, giỏi; nhiều học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh.
Tạo ra một ngôi trường đẹp
Đến thăm Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, cảm giác oi bức những ngày hè được thay thế bằng sự khoan khoái khi đứng dưới những hàng cây to tỏa bóng mát cả sân trường, nghe gió rì rào qua từng kẽ lá. Dọc các dãy hành lang, những chậu phong lan trắng cùng giàn bông giấy nhiều màu đỏ, hồng, cam khoác cho ngôi trường vẻ bề ngoài thân thiện, ấm áp lạ thường. Dừng chân trước hòn non bộ nước chảy róc rách, từng đàn cá tung tăng bơi lội bên dưới, những chú chào mào nhảy nhót trong lồng hót vang, anh cho biết, cây cỏ hoa lá chim cá của trường này là công đóng góp, chăm sóc của tập thể nhà trường và phụ huynh, học sinh.
54 tuổi, ngẫm lại cuộc đời mình, anh tâm sự: “Làm giáo dục không dễ, lại chịu nhiều áp lực từ xã hội. Học sinh bây giờ ít chịu khó hơn, trong khi thi cử ngày một cải tiến, đòi hỏi cao hơn. Học sinh của trường tôi đầu vào không tốt như trường công lập nên đòi hỏi nhiều nỗ lực của cán bộ, giáo viên. Mừng là sau rất nhiều nỗ lực, trường đã tạo được nề nếp cho học sinh. Dù vậy, hàng năm, đón nhận lứa học sinh mới vào, trường phải bắt đầu lại các khâu: rèn nề nếp, ý thức học tập, hun đúc động lực học tập…”, anh chiêm nghiệm.
Chuyện trò với anh, tôi cứ có cảm giác mọi việc không khó lắm dù biết “đầu tàu” của một trường bán công từng thuộc loại yếu kém đến nay đã vươn lên tốp đầu trong số các trường THPT công lập tự chủ tài chính của tỉnh, liên tục là một trong những đơn vị được Giám đốc Sở GD&ĐT tặng danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến; Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, rồi Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen… không hề đơn giản. Tôi cũng đã bỏ thời gian chuyện trò với một số cán bộ, giáo viên, người quen biết anh để cảm nhận trong cách nói của họ có nhiều sự nể phục, thậm chí là nể sợ một lãnh đạo nghiêm nghị, nói đâu làm đó. Cái uy toát ra từ anh - cần thiết của một người “chèo lái” nhưng sâu thẳm vẫn đọng lại cái tình của cách sống “có tình có lý”.
NGỌC TÚ