Vĩnh Thạnh: Nâng “chuẩn” già làng
Không còn như thời xưa, yêu cầu đặt ra đối với các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh nói riêng hiện nay không chỉ là am hiểu luật tục và biết hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ làng.
1.
Ông Đinh Beng, dân làng thường gọi là bok Hợi, ở làng Đồng Binh, xã Vĩnh Hòa vừa mới xây xong ngôi nhà kiên cố, khang trang, trị giá hơn 200 triệu đồng. Nhiều bà con trong làng, xã đều có lời khen ngợi: Vợ chồng nghèo, từ hai bàn tay trắng mà xây được ngôi nhà như vậy là hiếm thấy.
“Ngày nay, già làng, người có uy tín còn phải hiểu biết pháp luật, biết tuyên truyền, vận động bà con và gương mẫu thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, biết làm ăn giỏi, là trung tâm đoàn kết của làng”
Trước đây, cũng như bao gia đình người Bana khác khi di dời từ vùng lòng hồ Định Bình về khu định cư mới, nhà bok Hợi gặp biết bao gian nan, vất vả. Dù vậy, với tinh thần lao động cần cù, chịu khó, vợ chồng bok đã trồng được hơn 3 ha điều, làm ruộng nước năng suất cao, chăn nuôi được vài con bò, con heo… Lại được huyện, tỉnh cho đi tham quan các mô hình kinh tế điển hình ở một số tỉnh Tây Nguyên và phía Bắc, bok Hợi đem những điều học được và kinh nghiệm bản thân hướng dẫn cho bà con trong làng cách trồng cây lúa nước, trồng cây điều, chăn nuôi.
Không chỉ giỏi về lao động sản xuất mà bok Hợi còn là người gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Khu tái định cư mới Đồng Binh có nhiều hộ vốn ở các làng khác nhau và vài hộ người Kinh cùng chung sống, nên ngay từ những ngày đầu lập làng, bok Hợi đã không quản ngại khó khăn, đến dự từng cuộc họp làng, đến từng gia đình vận động mọi người đoàn kết, ổn định cuộc sống, tích cực sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo.
Ngoài ra, bok Hợi còn tuyên truyền, vận động bà con trong làng, xã thực hiện nếp sống văn minh, đau ốm phải đến trạm xá khám chữa bệnh. Bok vận động các cặp vợ chồng trẻ chỉ nên sinh 2 đứa con, cho con cái học hành đầy đủ, vận động thanh thiếu niên chưa đến tuổi trưởng thành không được lấy vợ, lấy chồng. Với vợ chồng nào trong làng, xã ăn ở với nhau không thuận hòa, bok Hợi lại đến giải hòa, dùng lời lẽ tình cảm, nhẹ nhàng để khuyên giải.
2.
Trong các già làng có uy tín của huyện Vĩnh Thạnh, còn phải kể đến ông Đinh Chương, thường gọi là bok Vin, ở làng Kon Blo (K8), xã vùng cao Vĩnh Sơn. Bok Vin vừa về nhà sau chuyến tham quan một số tỉnh phía Bắc do tỉnh tổ chức. Ông say sưa kể cho gia đình và mọi người nghe về những nơi ông được đến: “Nào công trình thủy điện Hòa Bình, khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, nào là khu du lịch Sa Pa..., đi đến đâu, đoàn cũng được các tỉnh bạn đón tiếp rất niềm nở và nhiệt tình. Ngoài đó cũng có nhiều dân tộc anh em như: Dân tộc Mường, Thái, Tày, Mông… họ biểu diễn các tiết mục dân ca, múa, trình diễn nhạc cụ và trang phục truyền thống trông rất đẹp, rất hay. Thích lắm”.
Bok Vin tuy tuổi đã ngoài bảy mươi nhưng rất tích cực trong các mặt công tác xã hội và văn hóa văn nghệ. Vốn là những thành viên của đội văn nghệ huyện, nay lớn tuổi nhưng không vơi lòng nhiệt tình, đam mê, vợ chồng bok Vin nỗ lực duy trì hoạt động đội văn nghệ của làng, khôi phục và củng cố đội cồng chiêng, đội múa, đội hát. Bên cạnh đó, bok còn vận động khá đông nam nữ thanh niên duy trì nghề thêu, dệt vải, nghề đan lát truyền thống.
Để định hướng cho lớp trẻ giữ gìn văn hóa truyền thống trước những ảnh hưởng mạnh mẽ của các yếu tố văn hóa phương Tây không phù hợp, bok Vin dành nhiều thời gian duy trì buổi sinh hoạt làng vào tối thứ Bảy hàng tuần để tuyên truyền, giải thích cho dân làng, thanh thiếu niên vai trò và ý nghĩa của việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa. Trong những năm gần đây, đội văn nghệ của làng, xã dưới sự dẫn dắt của bok Vin đã thường xuyên tập luyện, nhiều lần phục vụ khách du lịch đến thăm làng, phục vụ các ngày lễ hội truyền thống và tham gia các kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng do huyện, tỉnh tổ chức, giành được những thành tích cao.
3.
Ở thôn Định An, thị trấn Vĩnh Thạnh, ông Võ Đình Lao, mà bà con thường gọi là bok Kiên, cũng là một trong những già làng có uy tín trong vùng đồng bào Bana Kriêm.
Khi tỉnh, huyện chủ trương dời dân ở một số làng, xã thuộc huyện Vĩnh Thạnh, nhường đất để xây dựng các công trình giao thông, nhà máy thủy điện, hồ chứa nước... đã gặp nhiều khó khăn, vất vả. Mấy chục năm sống định canh, định cư, đã xây dựng những ngôi nhà kiên cố, khang trang, vườn đã cho nhiều loại cây ăn trái, có ruộng nước cho thóc, cho gạo, xóa được nạn đói vào những mùa giáp hạt, nay phải di dời đi ở nơi khác, không ít hộ gia đình, trong đó có cả cán bộ, đảng viên, kiên quyết không chấp hành.
Trước tình hình trên, với vai trò là Trưởng ban vận động, bok Kiên đã tổ chức họp làng, họp tổ, nhóm, họp chi bộ đảng, đến từng hộ gia đình, thậm chí phải gặp từng người trình bày, diễn giải cho họ rõ về mục đích, ý nghĩa của việc di dời làng. Có lúc bok Kiên đến nhà, người ta nhưng không chịu mở cửa. Bok kiên trì đến tận khu sản xuất gặp bằng được những người chưa “thông”, để nói rõ thêm về các chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với người dân trong lòng hồ phải di dời đến nơi tái định cư. Cứ như thế, từ gia đình này đến gia đình kia, từ người này đến người khác, ròng rã kéo dài hai, ba năm, dù ở đâu, lúc nào, người nào, bok Kiên cũng dùng lời nói nhẹ nhàng, tình cảm, có lý có tình để thuyết phục mọi người. Nay, Thủy điện Vĩnh Sơn đã cho dòng điện sáng, đập hồ Định Bình đã cho dòng nước đầy…, những thành quả ấy có sự đóng góp công sức của những già làng có uy tín như bok Kiên...
* * *
Trước đây, già làng là người am hiểu về luật tục, hiểu tâm tư nguyện vọng của dân làng, được bà con tín nhiệm bầu ra để giải quyết, phân xử những vấn đề nảy sinh trong nội bộ cộng đồng. Ngày nay, già làng, người có uy tín còn phải hiểu biết pháp luật, biết tuyên truyền, vận động bà con và gương mẫu thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, biết làm ăn giỏi, là trung tâm đoàn kết của làng. Ngoài ra, già làng, người có uy tín còn phải không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt, nhận thức về thời cuộc một cách đúng đắn, để không tụt hậu với tình hình.
XUÂN DŨNG