Chim sẻ
Tản văn của TRẦN THỊ HUYỀN TRANG
Cúng rằm xong tôi rải gạo trên sân thượng chờ đàn sẻ trời về ăn. Có một cô sẻ bé bỏng chúi xuống mổ hạt, nhìn cái mỏ nhỏ xíu gắp trầy trật thì biết ngay là cô bé mới tập nhặt thức ăn. Được cha mẹ mớm cho quen rồi, giờ bắt đầu tự lập, có loóng coóng vụng về một chút cũng là bình thường, rồi sẽ quen đi thôi, bé con!
Từng bước nhảy non nớt chòng chành, cả cái chớp cánh ngọng nghịu của cô sẻ bé bỏng cứ bắt tôi phải nhìn theo. Biết không bé con, có một người đang quan sát em đấy. Nâng niu dõi theo mỗi cử động thơ dại của em, tôi như thấy lại "ngày hôm qua" của mình, ấu thơ tít tắp.
Tôi có một người cậu ruột rất giỏi trèo dừa, bẫy chim. Cậu tôi rất khéo tay. Cậu đích thân chọn tre, chuốt nan để đan lồng chim. Có lồng rồi, cậu tha thẩn dạo vườn ổi tự mình cắt một chạc cành ưng ý bắc cầu cảnh cho chim đậu. Những cái lọ nhỏ đựng thức ăn và nước uống cho chim cũng được cậu chế tác công phu từ chén sứ cổ hoặc từ gáo dừa khô. Thấy cậu lấy đồ cổ ra mài mài khoét khoét làm mâm bát cho chim, bà ngoại tôi tiếc đứt ruột nhưng chỉ chép miệng chứ không nói gì - bà thương cậu Ba nhất, ngoài tình mẹ yêu con, dường như còn muốn bù đắp cho cậu những thiếu khuyết trong đời, vì đường vợ con của cậu tôi có phần lận đận.
Cậu tôi cất công tạo lâu đài cho lũ chim. Chào mào, chóp quạch, sáo, nhồng, két, cu cườm, cuốc cuốc... Thi thoảng mới thấy một ổ sẻ non xuất hiện, thường là sau mỗi bận cậu dọn cỏ dừa. Và chính lũ sẻ non ấy làm tôi bận lòng nhất khi chúng há mỏ lích rích còn cha mẹ chúng cuống cuồng chao chác bên ngoài. Tôi muốn cứu chúng nhưng cậu tôi trừng trừng rất khiếp. Đợi cậu tôi đi bắt mạch bốc thuốc xa, tôi thì thào với bà ngoại. Bà ngoại kêu thằng Thọ hàng xóm, dúi cho nó một đồng, rồi sai nó đưa ổ chim non lên ngọn dừa nhà nó. Tôi với bà tôi đứng dưới gốc ngước lên nín thở nhìn thằng Thọ giấu ổ chim non vô bẹ kín. Giấu xong, nó cúi xuống vẫy vẫy tay, mặt mày rạng rỡ, nhe răng sún cười toe toét rất... anh hùng! Tôi sung sướng ôm chặt bà ngoại. Bà tôi cũng mừng rỡ móm mém cười, bàn tay già nua vỗ vỗ trên lưng tôi nhè nhẹ.
Cậu tôi về thấy lồng chim sẻ trống hoác thì không nói không rằng, hừ lạnh một tiếng. Đợi mẹ tôi đi chợ, bà ngoại sang nhà bà Tèo ăn trầu, cậu ngồi xếp bằng trên giường, nhịp nhịp cái roi mây, gọi tôi: "Lên biểu!". Huhu, bây giờ tôi vẫn còn run khi nhớ lại ngọn roi mây đập xuống nền nhà ngày ấy. Cậu hỏi đứa nào thả chim, tôi líu cả lưỡi nhưng không khai ai cả. Thằng Thọ lấp ló rủ tôi đi mua cà rem, thấy tôi đang bị tra hỏi, mặt nó tái nhớt, trốn cạch mấy ngày. Bữa đó tôi bị một roi, cậu còn cốc cho mấy cái, đầu nổi cục u như Hồng Hài Nhi. Bà ngoại tôi xót cháu, lẩy con, nhịn cơm hai ngày. Cậu tôi vẫn ấm ức nhưng đoán ra có bà ngoại dự vào chuyện này nên làm thinh. Chỉ lúc nào riêng hai cậu cháu, cậu rủa tôi: "Con quỷ nhỏ này, mai mốt tao bắt se sẻ, ướp muối ớt quấn lá ổi nướng lên, đừng có hòng theo xin miếng xin miếng nghe chưa!!!"
Thế là gia đình nhà sẻ thoát nạn. Nhà sẻ ấy với cô sẻ con hôm nay có họ hàng gì với nhau không nhỉ? Có thể có, mà cũng có thể không. Trên khoảng cao xanh kia bao nhiêu mây trắng đã bay qua, có những câu chuyện cũ như làn khói làm cay mắt. Cậu Ba ơi! Con chợt thèm được quay lại góc sân xưa, ngồi bó gối nhìn cậu chuốt nan đan lồng, ngỡ ngàng nghe con sáo vàng tập nói và... lén cậu thả một chú chim tội nghệp về bầu trời xa rộng. Mỗi lần mẹ thắp hương cầu nguyện cho bà ngoại và cậu, sau lễ cúng, gạo muối rắc đầy sân thượng, con nép vào sau cửa, lại thấy mình thơ dại chờ mong đàn sẻ quay về...
T.T.H.T