Vừa tiễn biệt Phan Huỳnh Điểu, nhạc Việt lại mất nhạc sĩ Phan Nhân
Một giờ sau khi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời, làng nhạc Việt lại đón nhận tin dữ: nhạc sĩ Phan Nhân đã vĩnh viễn ra đi.
Vào lúc 10 giờ 15 phút ngày 29.6, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã từ trần tại Bệnh viện Thống Nhất, hưởng thọ 91 tuổi. Linh cữu của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP Hồ chí Minh).
Phan Huỳnh Điểu là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong thế kỉ XX. Ông được ví là “Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam” với nhiều sáng tác nổi tiếng. Phần lớn các ca khúc của Phan Huỳnh Điểu là nhạc đỏ, nhưng ông cũng có nhiều ca khúc trữ tình đặc sắc. Nhạc sĩ được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vì những đóng góp của mình cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân.
Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11.11.1924 tại Đà Nẵng. Ông cũng là người con thứ 11 trong một gia đình cha làm thợ may. Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1940 trong nhóm tân nhạc. Sau ca khúc đầu tay “Trầu Cau”, sáng tác của Phan Huỳnh Điểu được biết rộng rãi là bài “Đoàn giải phóng quân” viết cuối 1945.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Phan Huỳnh Điểu gia nhập quân đội, công tác ở Liên khu 5. Thời gian này ông viết một số ca khúc như: Nhớ ơn Hồ Chủ tịch, Quê tôi ở miền Nam... Năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, Phan Huỳnh Điểu được phân công công tác ở Ban Nhạc vũ, Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1975, khi thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông được cử vào Ban chấp hành là Ủy viên Thường vụ và công tác tại Hà Nội. Tháng 12.1964, Phan Huỳnh Điểu vào chiến trường Trung Trung bộ ở trong Ban văn nghệ Khu. Thời gian đó ông viết bản hành khúc “Ra tiền tuyến” với bút danh Huy Quang để cổ vũ, động viên tinh thần chiến sĩ thi đấu. Sau năm 1975, Phan Huỳnh Điểu chuyển về Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh và sống ở đó.
Âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu có giai điệu trau chuốt, trữ tình, ngay cả trong thể loại hành khúc, như “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Hành khúc ngày và đêm”... Phan Huỳnh Điểu còn có nhiều ca khúc về đề tài tình yêu thành công như: “Tình trong lá thiếp”, “Những ánh sao đêm”, “Bóng cây Kơnia”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Sợi nhớ sợi thương”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu”, “Tình ca Đămbri”… Ông đã phổ nhạc thành công cho rất nhiều bài thơ. Ngoài ra, ông còn sáng tác một số tác phẩm dành cho thiếu nhi, tiêu biểu là: “Đội kèn tí hon”, “Nhớ ơn Bác”...
Bên cạnh đó, Phan Huỳnh Điểu còn được ví là nhạc sĩ của tình yêu. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Xuân Khoát (1910 - 1993) đã không ngần ngại đặt cho nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu danh hiệu “nhạc sĩ của tình yêu”, từ ca khúc đầu tay là “Trầu cau” đến những tình khúc bất tử như: “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Hành khúc ngày và đêm”, “Những ánh sao đêm”...
Theo di nguyện, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu muốn được hỏa táng, cốt được gửi về chùa Vạn Thọ (quận 1), tro được rải ở sông Hàn (quê hương của ông). Lễ viếng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu bắt đầu từ trưa ngày 30.6 tại Nhà tang lễ Thành phố (25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP Hồ Chí Minh), lễ động quan diễn ra vào ngày 3.7 và đưa di hài đi hỏa táng tại nghĩa trang Phúc An Viên, quận 9.
Một giờ sau khi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời, làng nhạc Việt lại đón nhận tin nhạc sĩ Phan Nhân đã vĩnh viễn ra đi.
Tên thật là Liêu Nguyễn Phan Nhân, nhạc sĩ Phan Nhân sinh năm 1930 tại Long Xuyên (An Giang). Cuộc đời ông là những ngày dài cống hiến cho cách mạng và âm nhạc, với những tháng ngày kháng chiến chống Pháp và công tác tại Đoàn Văn công Nam Bộ (tập kết), dự Đại hội Văn công toàn quốc năm 1954; Đoàn Văn công quân đội Nam Bộ (1995), Đoàn Ca Nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và Ban Biên tập âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam (1959-1975).
Từ năm 1970 - 1972, ông tu nghiệp tại Hungaria về âm nhạc và sau ngày đất nước giải phóng, ông làm việc tại Phòng Văn nghệ Đài Phát thanh Giải phóng, rồi Đài Tiếng nói Việt Nam II tại TP.HCM cho đến khi nghỉ hưu.
Trong suốt cuộc đời sáng tác của mình, ông để lại cho âm nhạc Việt những ca khúc không thể nào quên, như: Hà Nội - niềm tin và hy vọng, Tình ca đất nước, Cây đàn ghi-ta của Victor Hara, Nhớ về Pắc Bó, Xa Hà Nội, Chú ếch con, Chú cừu Mộc Châu, Em là bông lúa Điện Biên, Hàng cây ơn Bác... Trong đó, được biết đến nhiều nhất là Hà Nội - Niềm tin và hy vọng.
Ngoài Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huy chương Thành đồng Tổ quốc, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc… Ông cũng nhận được giải thưởng của Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật vào năm 2001.
Theo NSƯT Phi Điểu - vợ nhạc sĩ Phan Nhân, ông bị suy tim và có khối u ác tính ở phổi, phải điều trị trong suốt hai tháng qua. Đến 11 giờ 45 ngày 29.6, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng (193/21 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3), hưởng thọ 86 tuổi.
Linh cữu của nhạc sĩ Phan Nhân được đặt tại Nhà tang lễ TP Hồ Chí Minh (25 Lê Quý Đôn, Quận 3). Lễ viếng bắt đầu từ ngày 30.6. Lễ động quan sẽ diễn ra vào sáng 2.7, sau đó được đem đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa. Theo di nguyện của nhạc sĩ, tro cốt của ông sẽ được đem về thờ tại chùa Hải Tuệ (quận 3, TP Hồ Chí Minh).
(Theo laodong.com.vn/ phunuonline.com.vn)