Canh Tiến mong một con đường
Từ bao đời nay, người dân làng Canh Tiến, xã Canh Liên, huyện Vân Canh sống gần như “biệt lập” với bên ngoài, bởi vì đường sá đi lại rất bất tiện, đèo dốc, sông suối hiểm trở. Cũng chính vì không có đường đi nên đời sống của bà con rất khó khăn và mong ước lớn nhất của họ là có một con đường để có cơ hội vươn lên thoát cảnh đói nghèo.
Làng Canh Tiến có 120 hộ, trên 500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Chăm và Bana sinh sống, cách trung tâm xã Canh Liên gần 23km đường đèo, cách xã Canh Hiệp hơn 15km nhưng đó chỉ là một lối mòn xuyên rừng, đèo dốc hiểm trở. Nếu đi theo ngõ qua xã Nhơn Tân, TX An Nhơn thì phải đi thuyền qua hồ Núi Một; không đi thuyền thì phải men theo con đường mòn chạy quanh hồ, khi ấy phải mất cả ngày trời mới ra được QL 19. Có thể hình dung rằng đường đến Canh Tiến không dài lắm nhưng rất khó đi, đi mất rất nhiều thời gian.
Nói về chuyện đường lên Canh Tiến, cô giáo Đỗ Thị Thanh Tâm, đang dạy tại điểm trường làng Canh Tiến, xã vùng cao Canh Liên, cho biết thêm: Đó là lúc trời nắng ráo, còn ngày mưa, sông sâu suối lớn nhiều khi phải ngủ lại trong rừng và phải mất 2-3 ngày mới đến được với làng, với các em học sinh.
Tuy nằm biệt lập với các vùng khác nhưng Canh Tiến có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế rừng và du lịch sinh thái. Ông Đinh Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã vùng cao Canh Liên, cho biết: Tổng diện tích đất sản xuất lúa nước và lúa rẫy trên 7ha, chủ yếu là sản xuất lúa Cẩm, lúa Khang, lúa Mriă; diện tích rừng trồng của người dân khoảng 30ha; rừng phòng hộ giao khoán cho người dân là trên 300ha. Ngoài ra, vùng đất Canh Tiến rất phù hợp với cây sa nhân, một loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; hiện nay, Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Vân Canh đã triển khai mô hình trồng thí điểm rất thành công, hứa hẹn sẽ là loại cây giúp bà con thoát nghèo. Bên cạnh đó, làng còn nằm gần hồ Núi Một, có rừng nguyên sinh, sông suối, thác nước… Đặc biệt hiện nay, ở làng Canh Tiến vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống mang tính cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số như: Lễ hội đỗ đầu vào dịp Tết, lễ cầu được mùa, lễ cầu mưa, lễ rước dâu, lễ ăn mừng lúa mới… Các lễ hội diễn ra quanh năm nên có thể phát triển loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, ẩm thực.
Khổ nỗi không có đường, Canh Tiến tự nhiên lại bị tụt hậu so với các xã khác, cái đói, cái nghèo vẫn mãi đeo bám người dân nơi đây. Anh Đinh Văn Ước sống tại làng Canh Tiến, tâm sự: Nếu không có đường thì không biết đến bao giờ người dân làng mới hết khổ, bởi đường sá đi lại quá khó khăn, người dân không thể phát triển kinh tế. Nuôi con heo, con bò chẳng ai mua, trồng cây mì, cây keo ở những nơi khác có giá trị từ 15-70 triệu đồng/ha, còn ở làng Canh Tiến thì có bán được cũng rất rẻ. Chi phí vận chuyển ăn hết rồi còn đâu. Nếu có đường từ Canh Hiệp qua đây, thì sản phẩm của bà con sẽ có giá trị kinh tế cao hơn, người bán được giá mà người mua cũng tiện lợi hơn.
Làm sao có một con đường giao thông để việc đi lại thuận lợi và giao thương với các vùng lân cận, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế là niềm mơ ước của bà con làng Canh Tiến. Đó cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo huyện Vân Canh từ nhiều năm nay.
Có được con đường, hàng ngàn héc ta đất sẽ được khai hoang để sản xuất nông nghiệp, trẻ em không còn cảnh phải luồn rừng đến trường, người có bệnh được kịp thời đưa đi trạm y tế, việc tiêu thụ hàng hóa, nông sản cũng thuận lợi hơn. Từ đó người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và góp phần xây dựng làng bản ngày càng phồn thịnh hơn.
“Tuyến đường liên thôn, liên xã từ làng Canh Tiến về xã Canh Hiệp, qua đèo Nha Sam là con đường chiến lược, không chỉ giúp bà con làng Canh Tiến phát triển kinh tế mà còn đảm bảo về an ninh quốc phòng. Vì thế, huyện đã lập kế hoạch đề xuất lên tỉnh xin chủ trương xây dựng tuyến đường này và đã được tỉnh đồng ý. Huyện Vân Canh đang làm hết sức mình để dự án sẽ sớm được triển khai”
Ông TRẦN KIM VŨ - Chủ tịch UBND huyện Vân Canh
LÊ PHƯƠNG - ĐÌNH DẶM