Giảm phiền hà, tăng hiểu biết
Ðối tượng hộ gia đình được xem là “nút thắt” của quá trình mở rộng phạm vi bao phủ BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Ðể thu hút hơn nữa nhóm đối tượng này rất cần những giải pháp thiết thực, cụ thể.
Theo ông Huỳnh Đức Hùng, Trưởng phòng Thu (BHXH tỉnh), để nâng cao tỉ lệ tham gia BHYT ở đối tượng hộ gia đình trong thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục kiến nghị BHXH Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số văn bản đã ban hành về việc hướng dẫn một số nội dung về thu BHYT theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho người tham gia và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về BHYT. Việc hướng dẫn cần đảm bảo sự thống nhất trong triển khai, tránh làm phát sinh những thủ tục phiền hà, ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT.
● Cụ thể, những thủ tục phiền hà cần loại bỏ là gì, thưa ông?
- Trong giai đoạn hiện nay, không bắt buộc người tham gia BHYT theo hộ gia đình phải trình cơ quan quản lý các loại giấy tờ để chứng minh về đặc điểm nhân thân đối tượng, về sự tham gia BHYT của thành viên hộ gia đình. Cụ thể, không cần phô-tô thẻ BHYT của thành viên hộ gia đình đã tham gia BHYT thuộc nhóm 1, 2, 3 và 4 Điều 1 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BHYT; không phải xuất trình giấy tạm vắng, giấy xác nhận ly hôn hoặc các giấy tờ khác thuộc về trách nhiệm quản lý của UBND cấp xã...
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, BHXH các huyện, thị xã, thành phố và các đại lý thu BHYT cần chủ động tiếp cận từng hộ gia đình để thực hiện tuyên truyền và hướng dẫn tham gia BHYT; tổ chức tập huấn cho UBND cấp xã về nhiệm vụ lập danh sách và mạng lưới đại lý thu BHYT về quy trình cấp thẻ BHYT hộ gia đình.
Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu mở rộng các hình thức tổ chức đại lý thu BHYT. Cá nhân, cơ quan nào dễ tiếp cận với người dân nhất đều có thể làm đại lý thu BHYT, như trạm y tế, phòng khám bác sĩ gia đình. Việc hỗ trợ kinh phí cho UBND cấp xã để thực hiện lập danh sách tham gia BHYT theo quy định cũng sẽ được triển khai kịp thời; tổ chức thu đóng BHYT hộ gia đình theo định kỳ phù hợp để tạo điều kiện cho các gia đình còn khó khăn về kinh tế có thể tham gia BHYT.
● Trong giai đoạn hiện nay, công tác truyền thông vận động vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT. Với đối tượng hộ gia đình, khâu tuyên truyền cần lưu ý điều gì, thưa ông?
- Trước hết, cần tập trung vào phân tích, giải thích cho người dân hiểu rõ về BHYT. Đây là loại hình bảo hiểm “lúc khỏe mua thẻ để tích lũy cho lúc ốm”, nhưng từ trước đến nay, đa số người dân chúng ta đều “lựa chọn ngược” - đến lúc bệnh hoặc bệnh nặng mới mua BHYT. Sở dĩ phải “luật hóa” việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là để khắc phục tình trạng nhiều gia đình chỉ chọn mua BHYT cho người ốm, mắc bệnh mạn tính, chưa có ý thức mua cho toàn bộ thành viên trong gia đình phòng khi ốm đau và chia sẻ rủi ro cho người khác. Điều này dẫn đến quỹ BHYT cho đối tượng tự đóng luôn bội chi, không đạt được mục đích chia sẻ rủi ro của BHYT.
Mặt khác, trong tuyên tuyền cần nói rõ về sự đơn giản trong thủ tục tham gia BHYT, tỉ lệ miễn giảm cho đối tượng thứ 2, thứ 3, thứ 4… trong gia đình.
Ngoài ra, nhất thiết phải thông tin cho người dân biết về một số giải pháp mà ngành BHXH và ngành Y tế phối hợp thực hiện để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân khi tham gia BHYT. Chẳng hạn, triển khai thành lập tổ thường trực giải quyết khó khăn vướng mắc tại BHXH tỉnh; thông báo đường dây nóng; bố trí giám định viên thường trực 100% tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên để hướng dẫn, giải thích và giải quyết các vướng mắc phát sinh cho người bệnh BHYT, cơ sở khám chữa bệnh và các tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời, tăng cường quản lý hiệu quả công tác khám chữa bệnh BHYT, chống lạm dụng quỹ BHYT; phấn đấu cân đối quỹ BHYT bền vững, đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ và mang lại sự hài lòng cho người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh.
●Xin cảm ơn ông!
MAI LÂM (Thực hiện)