Giải bài toán chi tiêu trong gia đình
Bước chân vào hôn nhân, chị em nào cũng đối mặt với bài toán khó trong việc quản lý chi tiêu gia đình. Tùy vào từng hoàn cảnh, tính cách của chồng mà chị em chọn lựa kiểu chi tiêu chung - riêng để tránh xảy ra bất hòa, mâu thuẫn, thậm chí có thể là nguyên nhân tan vỡ hôn nhân.
Người vợ phải giữ thói quen chia sẻ để giúp chồng hình dung được thiếu đủ trong tài khoản gia đình (Ảnh minh họa).
5 năm sau ly hôn, chị N.T.Y., 39 tuổi (đường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) mới nghiệm ra nguyên nhân chính của trục trặc hôn nhân là vì cả vợ lẫn chồng đều không biết cách kiểm soát chi tiêu trong gia đình. Anh chị lấy nhau, lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Cuộc sống khá chật vật, hàng tháng, anh đưa cho chị một nửa số tiền lương để chi tiêu trong gia đình, còn lại anh giữ. Khi có con đầu lòng, anh đưa cho vợ 2/3 số lương cho chị để lo cho con nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Anh là con trai lớn trong gia đình nên nặng gánh cúng giỗ, thăm nom, sửa sang phần mộ ông bà... Chị thì vốn quen chi tiêu như kiểu khi chưa có con nên những khi thiếu hụt, lại thấy bức xúc, dằn vặt chồng, dẫn đến cãi nhau. Sự bất hòa ấy cứ như u nhọt lớn dần, đến khi bục vỡ thì không thể cứu được. Chị N.T.Y. tâm sự: “Hồi đó tôi cứ day dứt là nếu mình không nghèo thì có lẽ cuộc hôn nhân không đổ vỡ. Giờ nghĩ lại tôi thấy nghèo không phải nguyên nhân, mà thực chất nằm ở năng lực kiểm soát và làm chủ tài chính của vợ lẫn chồng. Nếu vợ chồng tôi biết cách hài hòa các khoản thu - chi thì đã không xảy ra chuyện ai biết phần người đó, tôi cũng không phải mang tiếng sống ích kỷ với nhà chồng, đến nỗi phải ly hôn”.
Vậy mới thấy vai trò quan trọng của người phối ngẫu trong giải bài toán chi tiêu gia đình. Chỉ một người vén khéo thôi thì cũng chưa đủ. Cũng như nhiều gia đình khác, chị H.M.T. (45 tuổi, ở thị xã An Nhơn) là “tay hòm chìa khóa” trong nhà. Chồng chị là giáo viên, còn chị ở nhà buôn bán nhỏ. Lương của anh không cao nhưng bù lại công việc buôn bán của chị thuận lợi nên đủ lo cho. Khi hai con lớn, chi phí tăng cao, cùng lúc việc kinh doanh không thuận lợi, chị H.M.T. phải co đầu này kéo đầu kia mới đủ. Chồng con chị vốn quen cách sinh hoạt, ăn uống ở mức cao, giờ thấy thiếu hụt thì nghi ngờ chị đem tiền cho gia đình mình. Phía gia đình chị lại có người vỡ nợ nên dù chị có nói gì, cả chồng và con đều không tin. Giờ chị sống trong gia đình mình như cái bóng.
Theo thói quen truyền thống, phụ nữ thường quán xuyến tất cả việc chi tiêu trong gia đình. Mặt trái của điều này là dễ khiến đàn ông nhầm lẫn giữa việc “góp tiền” và việc chia sẻ trách nhiệm tài chính gia đình. Dù ai là người giữ tiền, việc chi tiêu cũng phải có được sự thống nhất của hai vợ chồng. Người vợ cần giữ thói quen chia sẻ để giúp chồng hình dung được những đầy vơi, thiếu đủ trong tài khoản gia đình, giúp con hiểu được gánh nặng của ba mẹ mà quý trọng đồng tiền, đừng cứ một mình thu vén để khi gặp chuyện như chị H.M.T. thì mang tiếng oan.
Với các gia đình thế hệ 8X, 9X thì có xu hướng vợ chồng có sự độc lập tài chính tương đối. Vợ chồng bạn tôi đã rạch ròi các khoản chi tiêu từ khi mới cưới nhau trên nguyên tắc “cùng chi trả”: hàng tháng, vợ lo tiền chợ, sữa; chồng trả tiền điện, nước, đóng học phí cho con. Riêng các khoản mua sắm vật dụng gia đình, trang thiết bị nội thất thì chia đôi, còn hiếu hỷ hai bên nội - ngoại thì phần ai nấy lo.
Bạn tôi cho rằng việc này giúp mỗi người làm chủ thu nhập, có ý thức hơn trong việc kiếm tiền, tiêu tiền; tránh tình trạng dựa dẫm, đùn đẩy gánh nặng kinh tế cho bạn đời. Song, bạn cũng chia sẻ rằng điều này khiến vợ chồng giảm đi sự đồng lòng trong vun vén cho gia đình. Bởi mỗi lần cần mua sắm gì lớn như bộ bàn ghế, sửa chữa nhà cửa thì cả hai không thể thống nhất được với nhau hoặc có tâm lý thờ ơ với những khoản chi tiêu lớn.
Tóm lại, bài toán chi tiêu trong gia đình không có đáp án nào là đúng - sai cả. Cốt lõi của vấn đề là cả hai cùng biết, đồng lòng và phải có sự vun vén bởi tình yêu, cảm thông, thấu hiểu. Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Thanh Sơn đã chia sẻ về vấn đề này trong buổi giao lưu trực tuyến trên báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh rằng: “Để tránh mâu thuẫn trong chi tiêu gia đình, không chỉ đồng lòng trong chi tiêu, vợ chồng phải cùng là người lao động, cùng ra ngoài kiếm tiền để hiểu nỗi vất vả mà bạn đời đối mặt mỗi ngày, để cùng nhau quý trọng thành quả lao động; đồng thời cũng để tránh tạo khoảng cách của kẻ ban phát - người lệ thuộc”.
YẾN NHI