Bước qua bóng xế
Khi cuộc đời đã ở bên kia sườn dốc, thì việc chuẩn bị tinh thần, sức khỏe, tìm niềm vui sống, an nhiên với tuổi già là điều nên làm.
Tìm niềm vui sống
Chưa chính thức nghỉ hưu, nhưng một chị bạn đồng nghiệp tôi quen đã hoạch định sẵn cho những tháng ngày thảnh thơi: “Đầu tiên sẽ là một chuyến du lịch từ Nam ra Bắc với một số bạn bè cùng trang lứa thời sinh viên. Đã bao nhiêu năm không gặp bọn chúng rồi...”. “Còn sau đó thì sao?”. “Thì chăm sóc cha mẹ già, đi chợ nấu ăn, rảnh thì chạy vào chơi với con gái trong Sài Gòn. Rồi nay mai nó lấy chồng, sinh con, tha hồ mà có việc”, chị cười.
Có hai đứa con thì một sống ở nước ngoài, một đang ở Hà Nội, nên quỹ thời gian của vợ chồng chị Đăng Minh (nhà ở đường Tăng Bạt Hổ, Quy Nhơn) khá nhiều. Sáng, vợ chồng đi bơi đến 8 giờ mới về, chị đi chợ, dọn dẹp nhà cửa, nấu bữa trưa. Đến tầm 4 giờ chiều, vợ mang vợt đến câu lạc bộ chơi bóng bàn, còn chồng chuẩn bị xỏ giày ra sân bóng mini. Vợ chồng chị vừa lên kế hoạch cho chuyến “phượt” bằng xe máy dài ngày qua các tỉnh miền Đông Nam bộ sắp tới. Chị Minh tâm sự: “Có người khuyên còn đang sung sức thế sao không tranh thủ làm thêm kiếm ít tiền nhưng tôi nghĩ bao nhiêu năm vất vả, nuôi dạy con cái nên người là đủ rồi. Giờ là lúc mình được sống theo ý mình, ít tiền đi một chút cũng chẳng sao”.
Mỗi thời một quan niệm sống về thụ hưởng tuổi già. Nói về tuổi già, ông Nguyễn Văn Hào, 72 tuổi (nhà ở đường Lý Thường Kiệt, Quy Nhơn) đưa ra một ví dụ để so sánh: Chỉ mươi năm trước thôi, cảnh người già chiều chiều ngồi bên dĩa mồi, lai rai vài chai bia với bạn được coi là nhàn hạ, sang trọng; còn giờ chiều chiều người ta đua nhau đi bộ, tránh xa bia rượu để giữ gìn sức khỏe - vậy mới được coi là đúng cách.
Ông Hào hiện là Phó Chủ nhiệm CLB Khiêu vũ dưỡng sinh Nhịp sống vui ở Nhà Văn hóa Lao động tỉnh. Vợ chồng ông không những là thành viên tích cực của CLB, mà còn thường xuyên đi du lịch, gặp gỡ bạn bè hay làm từ thiện. Tuy vậy, ông vẫn quan tâm, giám sát việc làm ăn của con cái, là “nhà đầu tư” khi con cần vốn. Ông Hào nói: “Tôi cho rằng già rồi cũng vẫn nên làm việc nhẹ nhàng để giữ cho đầu óc luôn hoạt động minh mẫn, đồng thời phải biết sống cho mình, đừng nên quá “bao sân” con để chúng sống có trách nhiệm”.
Vui chơi, trò chuyện với bè bạn hay tham gia các hoạt động xã hội là cách tìm niềm vui ở tuổi già.
- Trong ảnh: Một buổi nhóm họp những người bạn đồng hương cao tuổi.
An nhiên với tuổi già
Ở tuổi 89, sức khỏe còn tốt và vẫn minh mẫn, cụ ông Huỳnh Sơn Thạch (ở đường Ngô Thời Nhiệm, Quy Nhơn), chia sẻ quan điểm: “Tôi luôn trung thành với nguyên tắc “tự lập và chủ động”. Về già cũng theo nguyên tắc đó mà an nhiên tự tại. Giờ, mỗi ngày tôi vẫn đọc báo cho vợ nghe, theo dõi tình hình thời sự, sinh hoạt CLB hưu trí đều đặn và góp ý kiến khi được tham vấn”.
Vợ chồng cụ ông vẫn tự sống với nhau, chưa phiền đến con cháu. Cụ ông đảm nhiệm việc dọn dẹp nhà cửa, săn sóc vườn tược; cụ bà, đã 87 tuổi, nấu ăn hàng ngày. Họ chỉ nhờ con cháu lo việc chợ búa. Phòng khi bất trắc, ông mang điện thoại để ở đầu giường và mang theo bên mình một điện thoại di động. Cụ nói: “Con trai tôi vừa mất nên mới rồi tôi giao cho cháu trai trách nhiệm lo hậu sự cho ông bà. Tôi cũng dự liệu với con cháu khi hai vợ chồng già không còn đủ sức tự chăm sóc sau này...”.
Từ nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Tính, 80 tuổi, nhà ở phường Lê Hồng Phong, vẫn sống một mình. Bà tâm sự: “Tôi có đứa con gái duy nhất đã gả chồng ở xa. Chồng mất, tôi sống một mình hơn chục năm nay. Lúc ốm đau tự mình đi viện, hoặc cố nấu miếng cơm bát cháo. Nghĩ cũng cám cảnh, nhưng không nhờ ai được thì phải biết tự thân vận động. Nếu vin vào đó mà buồn phiền, trách con cháu bất hiếu thì mình sống không nổi đã đành mà còn để khổ, để tiếng cho con”.
Bước vào tuổi xế bóng, mỗi người sống một kiểu tùy vào hoàn cảnh. Có người tạo niềm vui bằng cách giúp con cháu quán xuyến việc nhà, hoặc tiếp tục làm việc. Người tham gia hoạt động tôn giáo, đi du lịch hay giao lưu bè bạn, hoặc tiếp tục làm việc, nghiên cứu khoa học. Nhưng, quan trọng nhất là phải biết tự tìm niềm vui để an nhiên với tuổi già; nếu không tinh thần sẽ suy sụp dễ dẫn đến suy nhược thần kinh hay trầm cảm.
Trường hợp của cụ ông Nguyễn Văn Phong, 84 tuổi ở phường Đống Đa (Quy Nhơn) là một ví dụ. Ông vốn ưa hoạt động, sức khỏe khá tốt, nhưng sau một trận đau khá nặng cách đây 2 năm thì tinh thần sa sút hẳn. Ông lo lắng thái quá về sức khỏe, thường xuyên mất ngủ, đau đầu và dạ dày nhưng không tìm ra bệnh. Sau khi được bác sĩ tâm lý thăm khám, trò chuyện, bác sĩ cho biết, ông bị sang chấn tâm lý, sợ chết sau cơn ốm nặng, dẫn đến những biểu hiện của các loại bệnh trên.
ÁI NHƯ