Nữ kỹ sư trẻ mê bảo vệ môi trường
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, mô hình phân loại rác tại nguồn với đối tượng không thuộc hộ gia đình trên địa bàn TP Quy Nhơn đã cho thấy hiệu quả rõ rệt với tỉ lệ rác được phân loại và xử lý trên 60%. Lượng phân compost được sản xuất từ mô hình hiện đạt khoảng 2.800 tấn/năm, vừa cung cấp phân bón cho cây trồng vừa giúp tiết kiệm đáng kể diện tích đất dành để chôn lấp rác. Người góp phần quan trọng vào kết quả này là nữ kỹ sư Ðinh Thị Hồng Ðiều, 33 tuổi, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Kỹ thuật, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Quy Nhơn.
Tạo thói quen phân loại rác từ nguồn
Tham gia mô hình phân loại rác tại nguồn từ năm 2012, đến nay sau 3 năm thực hiện, gần 600 tiểu thương ở chợ Đầm, TP Quy Nhơn, đã hình thành thói quen phân loại rác: rác vô cơ để riêng, rác hữu cơ để riêng. Hiện nay, mỗi ngày chợ thải ra bình quân 7m3 rác các loại, và tỉ lệ rác được phân loại tại các sạp hàng đạt khoảng 70%, một con số đáng khích lệ.
Kết quả này đến từ sự nỗ lực của Ban quản lý chợ trong việc vận động, tuyên truyền và sự hưởng ứng tích cực của tiểu thương chợ. Bà Ung Thị Thu Hồng, buôn bán hàng rau, cho biết: “Thời gian đầu tôi cũng không đồng tình lắm, vì rác nào chả là rác, với cả buôn bán bận rộn thời gian đâu mà phân chia, nhưng Ban quản lý chợ tuyên truyền vận động hoài và cũng thấy không mất nhiều thời gian nên tôi làm thử, giờ cũng quen. Như hàng của tôi thì có 2 loại rác, tôi chỉ việc bỏ rác là túi nylon vào 1 túi, còn rau thừa thì để tại sạp, đội vệ sinh sẽ thu gom”.
Tại các sạp hàng khác, các tiểu thương cũng tự giác bỏ rác vô cơ như túi nylon, vải, thủy tinh... vào 1 túi nhựa rồi để riêng tại sạp hoặc tự bỏ vào sọt rác theo quy định. “Đành rằng mình có đóng tiền vệ sinh, việc dọn rác thì chợ lo, nhưng sau khi được vận động và thấy cũng có lý nên tôi tuân thủ thực hiện. Dù sao làm gì có lợi cho môi trường vẫn tốt hơn”, bà Cao Thị Đào, chủ hàng giày dép, nói.
Nhờ những đơn vị tích cực tham gia dự án phân loại rác thải tại nguồn như chợ Đầm mà giờ đây, khi đến kiểm tra quy trình sản xuất phân compost tại Nhà máy chế biến rác thải (thuộc Công ty cổ phần Môi trường đô thị Quy Nhơn), nữ kỹ sư trẻ Đinh Thị Hồng Điều không còn băn khoăn, trăn trở như 3 năm trước.
Năm 2012, trước tình trạng nguyên liệu đầu vào của nhà máy thường xuyên thiếu hụt và không đảm bảo chất lượng, kỹ sư Điều cùng các cộng sự lập đề án xây dựng mô hình phân loại rác tại nguồn với đối tượng không thuộc hộ gia đình trên địa bàn TP Quy Nhơn và được Công ty cổ phần Môi trường đô thị Quy Nhơn triển khai thực hiện. Với mô hình này, hiện lượng phân compost được sản xuất tại Nhà máy đạt mức 10 tấn/ngày và có thành phần hữu cơ đạt trên 90% khối lượng. Sáng kiến này của kỹ sư Điều đã giúp nhà máy giảm tải trong khâu phân loại rác, mà tỉ lệ phân compost thu được lại cao hơn so trước.
Kỹ sư Điều chia sẻ: “Điều mà tôi tâm đắc nhất với mô hình này là anh, chị em công nhân hạn chế được việc dùng tay lựa rác, tiếp xúc trực tiếp với rác bẩn, nên bảo vệ được sức khỏe của người lao động, đồng thời tiết kiệm được quỹ đất dùng để chôn lấp rác thải, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường”.
Sáng kiến mang lại nhiều lợi ích
Kể về quá trình “thai nghén” mô hình này, kỹ sư Điều cho biết: “Năm 2008, thực hiện quy định về quản lý chất thải rắn theo hướng tăng cường rác thải tái chế, giảm rác thải chôn lấp, Công ty thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn tại KV 3, phường Thị Nại với quy mô 572 hộ gia đình, lượng rác thải bình quân 1,5 tấn/ngày. Tuy nhiên, mô hình này không cho kết quả cao như mong đợi, dẫn tới chất lượng phân compost không cao. Mặt khác, hiệu quả hoạt động của nhà máy lại đạt thấp do lượng rác hữu cơ thu gom được quá ít. Vậy là tôi nghĩ đến việc triển khai mô hình cho các đơn vị phát sinh nhiều chất thải hữu cơ như chợ, trường học, nhà hàng, khách sạn, công sở. Các đối tượng không thuộc hộ gia đình này có khối lượng rác thải lớn, nhưng cũng dễ phân loại tại nguồn một cách triệt để”.
Đề án triển khai khả thi, rác được phân loại tại nguồn tốt nên quy trình sản xuất phân compost của nhà máy cũng đã được rút ngắn, thay vì 4 công đoạn trước đây thì bây giờ chỉ còn 3, làm lợi hàng chục công lao động/ngày, chưa kể mỗi năm Công ty xuất bán khoảng 2.800 tấn phân compost, thu về hàng trăm triệu đồng. Sáng kiến của kỹ sư Điều đã được lãnh đạo công ty đánh giá cao và được công đoàn cơ sở khuyến khích.
Nói về mình, kỹ sư Đinh Thị Hồng Điều cho biết, chị tốt nghiệp Khoa Công nghệ Môi trường, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng (khóa 2001-2006), rồi đầu quân về Phòng Kỹ thuật của Công ty cổ phần Môi trường đô thị Quy Nhơn. Quá trình làm việc, được sự tạo điều kiện của lãnh đạo Công ty, sự hỗ trợ của đồng nghiệp và được làm việc đúng chuyên ngành, nên chị có điều kiện phát huy năng lực của mình. Ngoài công tác chuyên môn, chị còn là ủy viên Ban chấp hành công đoàn, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Công ty.
Còn ông Nguyễn Nên Danh, Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Quy Nhơn, thì nhận xét về nữ kỹ sư cấp dưới của mình: “Trong công việc chuyên môn cũng như các hoạt động phong trào, chị Điều luôn hăng say và cống hiến hết mình. Đặc biệt, những sáng kiến của chị đã góp phần mang lại hiệu quả cho Công ty, vừa giúp giảm công lao động vừa lợi về mặt kinh tế. Quá trình công tác, kỹ sư Đinh Thị Hồng Điều đã liên tục đạt được nhiều danh hiệu thi đua: chiến sĩ thi đua cơ sở, lao động sáng tạo, và danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ IV (2013)...”.
Nữ kỹ sư trẻ Đinh Thị Hồng Điều là gương mặt tiêu biểu của thanh niên Bình Định được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” năm 2013.
- Trong ảnh: Chị Điều thay mặt 82 thợ trẻ giỏi báo công dâng Bác tại Festival Người thợ trẻ giỏi toàn quốc lần thứ IV năm 2013.
Không dừng lại ở đó, mô hình phân loại rác tại nguồn đang được kỹ sư Đinh Thị Hồng Điều lập kế hoạch và đề ra các giải pháp khả thi để nhân rộng ra nhiều đối tượng khác trên địa bàn thành phố. Biết chặng đường phía trước của công việc này còn nhiều gian nan, nhưng kỹ sư Đinh Thị Hồng Điều nói, chị sẽ cố gắng hết sức để biến ý tưởng thành hiện thực, góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng và đem lại lợi ích cho người lao động.
KIỀU ANH