Tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh: Hướng theo nếp sống văn minh
Nhờ triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nếp sống văn minh trong việc tổ chức lễ hội, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện trên lĩnh vực này ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lễ hội lành mạnh.
Chuyển biến tích cực
Tại Hội thảo về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 308/2005 của Thủ tướng Chính phủ vừa được Sở VH-TT&DL tổ chức vào tháng 6 vừa qua, đại diện các sở, ngành, địa phương tham dự đều có đánh giá chung về những chuyển biến tích cực trong việc tổ chức các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng VH-TT huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Các lễ hội trên địa bàn huyện được duy trì, phục hồi và có xu hướng phong phú về hình thức, đầu tư bài bản về nội dung nghi lễ. Lễ hội theo các tiết trong năm như tế xuân, tế thu, tống ôn, đảo vũ, cầu mưa được giảm bớt. Để tổ chức lễ hội, cư dân thống nhất và linh hoạt trong đóng góp nguồn kinh phí. Người tham dự gồm nhiều thành phần, ngành nghề đa dạng, không bắt buộc hay giới hạn vật phẩm thờ cúng. Mọi người tham gia một cách bình đẳng, dân chủ, gắn kết trong không gian tín ngưỡng và các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian”.
Lễ hội cầu ngư đầm Hưng Lương đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của ngư dân xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn.
Nhiều lễ hội của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh đã được duy trì gắn liền với các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao lành mạnh cuốn hút nhiều người tham gia. Các lễ hội này đảm bảo ngắn gọn, tiết kiệm, đúng theo quy định của pháp luật và quy định của hương ước, quy ước, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tạo sự đoàn kết, gắn bó trong nội bộ cộng đồng dân cư. Những năm gần đây, đồng bào dân tộc thiểu số Hre, Ba na trên địa bàn huyện An Lão đã ăn tết cùng với Tết cổ truyền của dân tộc, không còn tình trạng ăn tết riêng (tết trâu, tết bò) kéo dài nhiều ngày gây lãng phí tiền của, thời gian. Một số lễ hội dân gian truyền thống tốt đẹp của đồng bào Hre, Ba na như lễ xuống đồng, mừng lúa mới, cúng con nước… được duy trì tổ chức một cách gọn nhẹ hơn, tuân thủ quy định của pháp luật.
Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: “Từ năm 2011, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch tổ chức lễ hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc cấp huyện 5 năm một lần, đồng thời hằng năm tổ chức luân phiên lễ hội cấp xã ở 2 trong tổng số 10 xã, thị trấn. Việc định kỳ tổ chức lễ hội được đưa vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng và được cụ thể hóa bằng nghị quyết của HĐND cấp huyện, xã. Nhờ vậy, lễ hội đã đi vào nề nếp, tạo được không khí phấn khởi để cán bộ và nhân dân có điều kiện giao lưu, học hỏi, rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương”.
Cần quản lý chặt và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động
Theo ý kiến của lãnh đạo các địa phương, đại diện các cơ quan quản lý văn hóa thì hoạt động tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế, tiêu cực cần được khắc phục. Một số lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số còn có biểu hiện xa rời tính truyền thống, thiếu trang phục dân tộc, thủ tục không còn nguyên gốc, thiếu tiếng cồng chiêng. Đặc biệt, lễ hội đâm trâu của đồng bào Ba na còn mang nặng tính tín ngưỡng, chưa thể hiện được tính nhân văn trong cộng đồng. Nhiều người cho rằng cách thức giết trâu trong lễ hội là mang tính bạo lực, vậy có nên ra quy định cấm hay không? Ông Lưu Ngọc Cường, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhìn nhận: “Lễ hội đâm trâu đã trở thành truyền thống bao đời của đồng bào dân tộc Bana trên địa bàn huyện, việc cấm hay ngăn cản tổ chức ở các làng là điều khó… Cần sự đánh giá về lễ hội này để có những hình thức tuyên truyền, vận động từng bước một cách phù hợp đối với đồng bào”.
Khá nhiều lễ hội dân gian, nhất là lễ hội làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh chưa phát huy được hết chức năng giáo dục, ý thức bảo tồn, kế thừa di sản cha ông để lại cho con cháu. Trong các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội ở khu vực đô thị, một số hoạt động không còn được duy trì và một số bị lãng quên dẫn đến sự giản lược những phong tục hay, mang ý nghĩa nhân văn tốt đẹp. Lễ hội tại các khu vực đô thị có xu hướng tổ chức trên phạm vi hẹp hơn, nhưng tổ chức thành nhiều nơi tràn lan, phổ biến nhiều loại hình giải trí hiện đại như nhạc sống, karaoke gây ồn ào. Trong lễ nghi của lễ hội còn sử dụng nhiều vàng mã gây lãng phí…
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, triển khai thực hiện và kiểm tra xử lý của chính quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giảm dần và tiến đến loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, cùng những vấn đề tiêu cực, không phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay. Cần tiếp tục lồng ghép việc chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội với phong trào thi đua “dân vận khéo”, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới…
HOÀI THU