Đội ngũ làm công tác văn hóa - xã hội ở cấp xã: Còn nhiều bất cập
Theo số liệu báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đến cuối năm 2014, tại 159 xã, phường, thị trấn đã bố trí 216 công chức văn hóa - xã hội cấp xã, 429 người hoạt động không chuyên trách cấp xã đảm nhận nhiều lĩnh vực văn hóa, thông tin, gia đình, lao động, xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Sở Nội vụ đã có đánh giá chung về đội ngũ cán bộ công chức và cán bộ không chuyên trách làm nhiệm vụ văn hóa - xã hội ở cơ sở còn mỏng, trình độ năng lực không đồng đều, thường xuyên biến động, chậm được kiện toàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Điều này phần nào thể hiện qua con số 83 công chức văn hóa- xã hội cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học (hơn 38,4%), 231 người hoạt động không chuyên trách cấp xã có trình độ chuyên môn từ sơ cấp trở lên (53,85%).
Anh Nguyễn Văn Rạng, cán bộ văn hóa - thông tin xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tham gia Liên hoan Dân ca Bài chòi lần thứ II - 2014.
Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách làm công tác văn hóa - xã hội ở cơ sở còn bất cập, chưa thực sự khuyến khích tạo điều kiện cho các đối tượng này ổn định đời sống, tích cực tham gia công tác, học tập nâng cao trình độ. Có dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng nhiều công chức văn hóa - xã hội cấp xã, họ cho biết đều phải đảm nhận nhiều công việc khác nhau. Công việc bù đầu mà phụ cấp nhận được lại rất thấp, nên nhiều người có tâm lý không yên tâm làm việc, muốn chuyển công việc khác… Một công chức văn hóa - xã hội trăn trở: “Gắn bó tâm huyết với công việc đã hơn 20 năm, bằng khen ghi nhận thành tích rất nhiều, nhưng cũng chỉ nhận được mức phụ cấp chưa đến 1 triệu đồng. Tôi phải tranh thủ làm thêm nhiều việc mới có thể tạm đủ sống. Lớp cán bộ đã lớn tuổi gần nghỉ hưu như tôi thì đã yên phận, chỉ e rằng lớp trẻ thu nhập rất thấp như vậy sẽ khó tích cực thực hiện nhiệm vụ”.
Công tác phân công phân cấp giữa các ngành, địa phương trong tổ chức quản lý, đào tạo bồi dưỡng, thực thi chế độ chính sách đối với những người làm công tác văn hóa - xã hội đến nay vẫn còn nhiều bất cập, thiếu tập trung theo đầu mối thống nhất. Nội dung đào tạo bồi dưỡng còn chung chung, chưa sát với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh làm công tác văn hóa - xã hội ở cơ sở. Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên đòi hỏi phải có nhiều giải pháp như tập trung quan tâm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức làm công tác văn hóa - xã hội tương xứng với nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác. Đồng thời đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tăng cường kiến thức, kỹ năng, phương pháp hoạt động, nâng cao năng lực tham mưu đề xuất triển khai thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ làm công tác văn hóa- xã hội bám sát với yêu cầu nhiệm vụ được giao của địa phương, đơn vị.
MAI THƯ