Thông tin tiếp bài “Di tích lịch sử Vườn Cam Nguyễn Huệ bị lấn chiếm, xâm hại”: Xác định 3 hộ dân lấn chiếm 2ha đất trong khu vực bảo vệ di tích
Ngày 5.7, ông Đinh Ply, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), xác nhận: Trước tình trạng người dân địa phương lấn chiếm, xâm hại khu di tích lịch sử Vườn Cam, địa phương phối hợp với ngành chức năng huyện Vĩnh Thạnh tổ chức kiểm tra; qua đó, đã xác định có 3 hộ dân ở xã Vĩnh Sơn xâm chiếm trái phép 20.000m2 đất trong khu vực bảo vệ di tích, gồm các hộ: bà Đinh Thị Ngoanh, ông Đinh Ngước và ông Đinh Tách; cả 3 hộ dân này đều trú trên địa bàn xã. Đến nay, chính quyền địa phương đã lập biên bản vi phạm và đình chỉ các hoạt động xâm canh trái phép này.
Khu di tích lịch sử Vườn Cam Nguyễn Huệ đang bị người dân xâm chiếm.
Ông Lưu Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Sau khi nhận được thông tin phản ánh từ báo Bình Định về việc “Vườn cam Nguyễn Huệ” - di tích quốc gia thời Tây Sơn bị lấn chiếm, xâm hại nghiêm trọng, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng VH-TT phối hợp với UBND xã Vĩnh Sơn kiểm tra, xử lý. Đến nay, công tác kiểm tra đã có kết quả. Trước mắt, đối với các trường hợp vi phạm, huyện chỉ đạo UBND xã Vĩnh Sơn yêu cầu các hộ dân vi phạm tháo dỡ, trả lại nguyên trạng các khu vực xâm lấn; sau đó, huyện sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tìm hướng xử lý phù hợp”.
Đề cập về công tác bảo vệ khu di tích ở địa phương, ông Đinh Ply thẳng thắn nhìn nhận: “Chính quyền địa phương hoàn toàn bất lực trước tình trạng di tích bị người dân xâm chiếm đất trái phép để trồng mì, cây keo lai. Cấp trên giao xã quản lý, bảo vệ nhưng chúng tôi không thấy có bản đồ, quy hoạch gì hết. Quyết định đưa xuống không khoanh định rõ quy mô, giới hạn cụ thể. Ngân sách cũng không rót cho đồng nào, thì xã lấy đâu kinh phí để thuê người trông coi; trong khi đó, diện tích khu di tích lại quá rộng!”.
Về vấn đề này, ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban Quản lý di tích (Sở VH-TT&DL), khẳng định: “Về mặt quản lý Nhà nước, để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm, xâm hại khu di tích lịch sử Vườn Cam Nguyễn Huệ thì trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương”.
Tuy vậy, ông Thọ cũng chỉ ra một số khó khăn trong việc bảo vệ di tích Vườn Cam Nguyễn Huệ. Trước hết, việc quy định khu vực bảo vệ của di tích chưa hợp lý. Diện tích bảo vệ quá rộng, nhưng không được đầu tư xây dựng hàng rào nên không xác định được ranh giới. “Thời gian tới, các cấp có liên quan cần đo đạc, quy hoạch, điều chỉnh lại quy mô di tích; đồng thời, có phương án hỗ trợ một phần kinh phí để tiến hành cắm mốc giới, bia di tích. Theo tôi, chỉ cần 3-5ha là đủ”, ông Thọ nêu quan điểm.
Trước đó, ngày 27.4.2015, trên trang Bạn đọc và Tòa soạn Báo Bình Định có bài viết: “Di tích lịch sử Vườn Cam Nguyễn Huệ bị lấn chiếm, xâm hại: Huyện sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, phản ánh việc khu di tích lịch sử Vườn Cam Nguyễn Huệ có tổng diện tích rộng 262,5 ha. Tuy nhiên hiện nay, trong quá trình phát nương rẫy, nhiều người dân đã không ngần ngại chặt phá cây cối trong vùng di tích để “xí phần” trồng rừng keo lai, bạch đàn, mì trái phép.
TRỌNG LỢI