Thực hiện chế độ cho công an, dân quân tự vệ cấp xã: Còn nhiều bất cập
Công an xã (CAX) tại những nơi trọng điểm chưa được bố trí đủ người; việc thực hiện chế độ cho CAX, dân quân tự vệ (DQTV) cấp xã nơi nhiều nơi ít vì chưa có sự thống nhất.
Đây là những bất cập được Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh chỉ ra sau khi giám sát thực tế tại một số địa phương về việc thực hiện Nghị quyết số 28/2012/NQ-HĐND về tổ chức, xây dựng và bảo đảm một số chế độ, chính sách đối với lực lượng CAX (gọi tắt là NQ28) và Nghị quyết số 29/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về tổ chức, xây dựng và bảo đảm một số chế độ, chính sách đối với lực lượng DQTV (NQ29) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015.
Chế độ hỗ trợ còn thấp nên không ít CAX chưa “mặn mà” với công việc, lực lượng thường xuyên thay đổi.
- Trong ảnh: CAV xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát giải quyết thủ tục giấy tờ tạm vắng cho người dân.
Thiếu người, chế độ không thống nhất
Theo NQ28, các xã trọng điểm, phức tạp về ANTT, xã loại I và xã loại II được bố trí không quá 2 phó trưởng CAX; mỗi thôn, làng và đơn vị dân cư tương đương được bố trí 1 CAX. Riêng đối với những nơi thuộc xã trọng điểm phức tạp, xã loại I và xã loại II được bố trí không quá 3 CAX. Trụ sở hoặc nơi làm việc của CAX được bố trí không quá 3 công an viên (CAV) làm nhiệm vụ thường trực 24/24 giờ.
So với cuối năm 2012, thời điểm hiện tại, lực lượng CAX đã tăng thêm 101 người, nâng tổng số CAX toàn tỉnh lên 1.326 người. Tuy nhiên đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa bố trí đủ 2 phó trưởng CAX và từ 1 đến 3 CAV thường trực theo NQ28, kể cả các xã trọng điểm phức tạp về ANTT. Như tại huyện Phù Mỹ, hiện 17 xã chỉ mới bố trí được 18 phó trưởng CAX; thị xã An Nhơn thì 10 phó trưởng CAX/10 xã; TP Quy Nhơn có 6 phó trưởng CAX/5 xã. Nhiều nơi cũng chưa bố trí được CAV thường trực vì không có người. Lực lượng CAX thiếu và chưa đồng đều, còn yếu về năng lực; nhất là lực lượng CAV thường xuyên thay đổi nên việc quản lý địa bàn, nắm tình hình còn chưa kịp thời, sát với thực tế.
Theo phản ánh chung của các địa phương và CA tỉnh với Đoàn Giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do mức hỗ trợ hàng tháng cho CAX còn quá thấp, lương không đủ sống, trong khi trách nhiệm cao, thường đối mặt với hiểm nguy.
Trong khi đó, việc triển khai thực hiện kế hoạch và cụ thể hóa các chỉ tiêu của NQ29 tại một số địa phương chưa đồng bộ.
Theo NQ29, dân quân khi làm nhiệm vụ (theo quyết định của cấp có thẩm quyền) cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi - về hàng ngày, sẽ được hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi về; tiền ăn bằng mức ăn cơ bản của chiến sĩ bộ binh phục vụ có thời hạn trong QĐND Việt Nam tại cùng thời điểm.
Theo phản ánh chung, mức chi hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại đối với DQTV hiện chưa thống nhất trong toàn tỉnh và chưa bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ bộ binh, vì phụ thuộc vào ngân sách của địa phương. Đơn cử, tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) DQTV tham gia huấn luyện tập trung được hưởng thêm mức hỗ trợ tiền ăn cơ bản 45.000 đồng/người/ngày và tiền tàu xe đi - về; trong khi xã Canh Hòa (huyện Vân Canh) hỗ trợ chung cho cả 2 khoản là 92.000 đồng/người/ngày.
Cần thống nhất thực hiện các chế độ
Đây là kiến nghị của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đối với UBND tỉnh sau đợt giám sát thực tế.
Theo đó, đối với NQ28, Ban Pháp chế kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ cho CAX như: chi trả cho việc điều trị tại bệnh viện khi bị thương, tai nạn trong lúc làm nhiệm vụ đối với các CAV không có BHYT; bố trí kinh phí chi trả một lần đối với các CAV nghỉ việc có đủ thời gian 15 năm phục vụ. Ngoài ra, UBND tỉnh cần chỉ đạo các địa phương thống nhất thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng CAX theo đúng quy định tại Nghị định số 73/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 47/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh, nhất là chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng cho họ khi tham gia các đợt tấn công trấn áp tội phạm và thường trực sẵn sàng chiến đấu, vì hiện mỗi địa phương chi bồi dưỡng ở nhiều mức khác nhau.
Với NQ29, Ban Pháp chế HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ cho lực lượng DQTV khi được huy động làm nhiệm vụ nhưng chưa tham gia BHYT, BHXH bắt buộc theo quy định; đồng thời có văn bản hướng dẫn thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh về mức hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại đối với dân quân khi làm nhiệm vụ; hỗ trợ kinh phí đối với các địa phương miền núi, khó khăn không thu được quỹ QP-AN đảm bảo kinh phí hoạt động, huấn luyện đối với lực lượng DQTV.
THU HÀ