Phương án thiết kế Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh: Thể hiện đặc trưng của Bình Ðịnh
Trước sự quan tâm của đông đảo người dân về 2 phương án thiết kế Ðài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ (ÐTNLS) tỉnh, ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LÐ-TB&XH - đơn vị chủ đầu tư công trình - khẳng định: các thiết kế do các kiến trúc sư hàng đầu trong lĩnh vực này thực hiện với phương châm đảm bảo tính trang nghiêm, vững chắc, thể hiện đặc trưng địa phương, phù hợp với cảnh quan ở nơi dự kiến xây dựng.
Từ ngày 10.6 đến 10.7, Sở LĐ-TB&XH tổ chức lấy ý kiến người dân về 2 phương án thiết kế ĐTNLS tỉnh.
* Thưa ông, 2 phương án thiết kế ĐTNLS tỉnh đang triển khai lấy ý kiến người dân là do kiến trúc sư nào thực hiện?
- Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, nhiều năm qua, Tỉnh ủy có chủ trương xây dựng tại trung tâm TP Quy Nhơn một đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc. Tháng 12.2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho Sở LĐ-TB&XH làm chủ đầu tư xây dựng công trình ĐTNLS tại Quảng trường trung tâm tỉnh trên cơ sở tiếp nhận một số phần việc còn dở dang từ Sở VH-TT&DL. Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh liên hệ với Hội Kiến trúc sư Việt Nam giới thiệu một đơn vị tư vấn có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế các ĐTNLS.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã giới thiệu Công ty Cổ phần Kiến trúc Đô thị Việt Nam làm tư vấn và kiến trúc sư Lê Hiệp - tác giả của những công trình ĐTNLS nổi tiếng cả nước - trực tiếp thiết kế với phương châm: Đài tưởng niệm phải hết sức trang nghiêm, vững chắc, mang bản sắc dân tộc, vùng miền; bảo đảm tính hiện đại, phù hợp với cảnh quan môi trường và các công trình ở nơi dự kiến xây dựng. Đồng thời, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của các thế hệ đối với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho dân tộc.
Ngày 28.1.2015, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội và kiến trúc sư Lê Hiệp đã trình bày một số ý tưởng mô hình thiết kế ĐTNLS tỉnh cho các đồng chí Ban Cán sự Đảng, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và xin ý kiến đóng góp bổ sung. Các đại biểu đều cơ bản nhất trí với 2 mô hình và đề nghị kiến trúc sư Lê Hiệp tiếp tục phát triển thêm để cho đài tưởng niệm đáp ứng các tiêu chí đã đề ra ban đầu và thực hiện lấy ý kiến nhân dân.
Ngày 3.7 vừa qua, UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến tham gia của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy về 2 mô hình đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tỉnh Bình Định để tiếp tục hoàn thiện.
* Ông có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của 2 phương án thiết kế này?
- ĐTNLS cao 19,98m, có hình khối vuông và mang dáng dấp của một bông hoa; trong đó, phương án 1 là hình một bông hoa đang hé nở, phương án 2 là hình bông hoa đang nở. Cả hai phương án đều có mặt bằng tổng thể giống nhau: phần đài chính đặt giữa một mảng nước nông hình tròn (đường kính khoảng 36m), nằm trên coss 1,62m. Từ giữa đi lên bằng 3 đợt tam cấp và trước đó là bộ tứ trụ thường gặp trong bố cục đền chùa. Phía 2 bên là đường dốc dành riêng cho người già yếu, người khuyết tật vận động. Lan can của đường dốc là những tấm tường đá, phía trên có khoét lỗ tròn, bên trong đặt 1 tấm phù điêu có nội dung “Bóng dáng người xưa”.
Theo kiến trúc sư Lê Hiệp, phương án 1 là mô hình của những tấm lá dừa - biểu tượng thiên nhiên Bình Định đã đi vào thơ ca - xếp chồng lên nhau, tạo bông hoa đang hé nở, thể hiện sức sống mãnh liệt và sự phát triển đi lên của người Bình Định. Những tấm lá dừa chụm vào nhau, đan xen đồng thời thể hiện sự hội tụ của anh linh của các anh hùng liệt sĩ. Giữa các cánh dừa là sao khuê - biểu tượng của văn hiến, đại diện cho bề dày trên các lĩnh vực văn hóa như nghệ thuật tuồng, võ cổ truyền, thơ ca và cho cả cái tên “Đất Võ - Trời Văn”. Cánh hoa đang hé nở kết hợp cùng sao khuê tạo thành hình ngọn bút viết lên bầu trời, tiếp tục nhấn mạnh tên gọi “Trời văn”. Thân đài như một ngôi miếu với phần mái là những gợn sóng quy tâm, gợi lên hình ảnh kiến trúc rất quen thuộc trong đời sống tâm linh của người Việt Nam.
* Nhiều ý kiến cho rằng, đặt ĐTNLS ở khu vực cạnh biển là chưa hợp lý. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- ĐTNLS phải được đặt tại nơi trang trọng, thuận tiện để nhân dân đến tưởng niệm, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Thêm nữa, Điều 60 của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9.10.2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công nhấn mạnh: “ĐTNLS phải được xây dựng ở trung tâm chính trị, văn hóa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Như vậy, việc đặt vị trí ĐTNLS tỉnh là phù hợp.
Trong tương lai, khi ĐTNLS được xây dựng xong, sẽ kết nối với Quảng trường trung tâm tỉnh, Tượng cha và con Bác Hồ, Bảo tàng tỉnh tạo nên một Quảng trường chính trị, đồng thời là khu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người dân trong tỉnh, du khách trong nước và quốc tế mỗi lần ghé thăm Bình Định, góp phần quảng bá văn hóa, con người Bình Định, phát triển du lịch và thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà.
Trước một số ý kiến cho rằng vị trí đặt ĐTNLS là chưa hợp lý, vì khu vực này có nhiều người đi tắm biển hằng ngày sẽ làm mất tính nghiêm cẩn, linh thiêng hoặc nếu quản lý không tốt sẽ là tụ điểm của các tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH đã trao đổi với kiến trúc sư Lê Hiệp và đồng chí Nguyễn Tấn Vạn. Hội kiến trúc sư Việt Nam ghi nhận và sẽ có giải pháp khắc phục các điểm yếu của Đài tưởng niệm khi đặt tại vị trí này.
NGUYỄN MUỘI
XIn chào! Tôi quan sát 2 phương án thiết kế nhưng Tôi muốn góp ý thì tối góp ý về đâu, không có địa chỉ, điện thoại hay email cho người dân tham gia góp .chân thành cảm ơn
Tôi nghĩ nên dừng lại việc xd ĐTNLS. Tôi thấy vtrí xd ko phù hợp đối với tp biển đẹp như Quy Nhơn. Hãy xd cái gì đó liên quan đến biển : hình tượng con cá, con tàu, vỏ ốc ... để tạo cho tp biển thêm sinh động. Đừng vì áp lực hay quyền lợi nào đó mà phải làm vội vã.
Theo tôi, chúng ta nên suy nghĩ lại việc có nên xây dựng ĐTNLS hay ko: + Thứ 1, tán thành ý kiến vị trí xây dựng ko phù hợp như ở trên đề cập. Thay vì xây dựng cái mới thì dùng số tiền đó tu sửa Nghĩa trang Liệt sĩ đường Tây Sơn sẽ hợp lý hơn và ko phí phạm tiền của dân. + Thứ 2, từ lúc xây dựng Quảng trường trung tâm, ban đêm là nơi để người dân sinh hoạt, các em nhỏ vui chơi. Tuy nhiên vì lượng cây xanh có hạn nên ban ngày quá nắng, đi ngang qua đã thấy quá chói chang, có màu xanh mát mẻ của công viên thiêu nhi cũng làm dịu đi phần nào cái nóng oi ả. Tôi thấy chúng ta xây dựng đài tưởng niệm này trong giống kiểu tháp Trầm Hương ở Nha Trang, nhưng thực sự tôi thấy ko đẹp. một thời gian xuống cấp rất nhanh, trông cũ kỹ và không thấy thích như đường ADV ở Quy Nhơn mình.