Ô nhiễm môi trường tại các Cụm Công nghiệp ở thị xã An Nhơn: Bài toán chưa có lời giải
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các Cụm Công nghiệp (CCN) trên địa bàn thị xã An Nhơn gây ra cho những khu vực xung quanh không phải là “chuyện bây giờ mới kể”. Hệ quả, môi trường công nghiệp và dân sinh ở các CCN bị đẩy đến chỗ trầm trọng cùng cực.
Theo Phòng TN-MT TX An Nhơn, trên địa bàn thị xã hiện có 4 CCN, gồm: CCN Gò Đá Trắng (phường Đập Đá), CCN Thanh Liêm (xã Nhơn An), CCN Bình Định (phường Bình Định) và CCN Nhơn Hòa (phường Nhơn Hòa). Trong những năm gần đây, do ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất không cao, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng và chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả.
Đụng đâu xả đó
Từ quốc lộ 1A rẽ vào CCN Gò Đá Trắng chưa đầy 1 km, người đi đường đã không chịu nổi khói bụi và mùi hôi sộc vào mũi. Thế nhưng, suốt 5 năm qua, hàng trăm hộ dân thuộc khu vực Bả Canh, Tây Phương Danh, Bắc Phương Danh, Nam Tân của phường Đập Đá và xã Nhơn Hậu đã phải sống trong cảnh ô nhiễm như thế. “Ăn uống giờ là cực hình. Tới bữa, đố nhà ai dám mở cửa ra. Lắm khi miếng cơm trong miệng cứ lạo xạo trộn với bụi bặm, tro than. Còn khi nấu cơm không đậy nắp cẩn thận bụi nhôm bay vào nồi là khỏi ăn luôn”, một hộ dân ở thôn Nam Tân, cho biết.
Tại các đợt tiếp xúc cử tri, người dân địa phương liên tục phản ánh tình trạng này đến các ngành chức năng của thị xã An Nhơn và của tỉnh với mong muốn cấp trên vào cuộc giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm tại CCN Gò Đá Trắng. Song, sau nhiều lần khẩn thiết “kêu cứu” qua các cuộc tiếp xúc cử tri, điều mà người dân địa phương đạt được là các lò nấu chì, đúc gang, tái chế nhôm từ vỏ lon bia, nước ngọt thay vì hoạt động ban ngày thì một số đã lặng lẽ chuyển sang đốt đêm.
Tại CCN Thanh Liêm tình hình không sáng sủa hơn là mấy. Từ khi CCN Thanh Liêm đi vào hoạt động (khoảng năm 2004 - 2005), các công ty, doanh nghiệp (đa phần hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nước mắm) tại đây xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường. Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại CCN được đầu tư nhưng lại không hoạt động. Chưa hết, ngoài chuyện xả nước thải bừa bãi, nhiều cơ sở sản xuất trong CCN còn mang các loại bao bì ra sông Gò Chàm súc rửa khiến cho tình hình ô nhiễm ở khu vực này ngày càng trầm trọng.
Quản lý, kiểm tra lỏng lẻo?
Ông Trần Văn Vỹ - Phó Trưởng phòng TN - MT thị xã An Nhơn - thừa nhận: “Thời gian qua, các ngành chức năng thị xã An Nhơn cũng tiến hành các hoạt động kiểm tra, đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường ở các khu vực CCN như Gò Đá Trắng, Thanh Liêm, Nhơn Hòa và Bình Định. Tuy nhiên, công tác xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường vẫn còn nương nhẹ. Số doanh nghiệp vi phạm bị xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Bên cạnh những khó khăn, ông Vỹ cũng thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân chính dẫn tới sự tồn tại này do sự quản lý buông lỏng của các ngành chức năng thị xã và chính quyền địa phương. Hơn nữa, công tác quản lý, duy tu, sửa chữa sau đầu tư chưa được địa phương chú trọng và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Trước câu hỏi giải pháp nào giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường tại các CCN trên địa bàn, ông Vỹ trả lời: “Thực hiện chủ trương quy hoạch, chỉnh trang đô thị, trước mắt, các doanh nghiệp tham gia sản xuất ở các CCN không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, Phòng TN - MT thị xã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, nhắc nhở và xử lý; đồng thời, khống chế quy mô, công suất hoạt động của doanh nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm. Về lâu dài, thị xã sẽ nghiên cứu, di dời các doanh nghiệp sản xuất với ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nằm gần khu dân cư sang các CCN mới như Tân Đức, An Mơ, Gò Sơn”.
Có thể thấy, tình hình ô nhiễm môi trường ở mức đáng báo động ở CCN tại thị xã An Nhơn, có một phần lỗi từ việc buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ môi trường của ngành chức năng. Mặt khác, Ban Quản lý các CCN thị xã, thiếu kiểm tra, ngăn chặn, kiến nghị xử lý kịp thời các đơn vị vi phạm khiến bộ mặt các CCN nhếch nhác, bẩn thỉu, ô nhiễm nghiêm trọng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, hiện nay, Ðoàn công tác liên ngành thị xã (bao gồm: Phòng kinh tế, Phòng TN-MT, Ban Quản lý các CCN, Cảnh sát môi trường...) đang triển khai công tác thanh, kiểm tra; trong đó, tập trung kiểm tra 4 nội dung như: dự án đầu tư, quy hoạch chi tiết, sử dụng đất và môi trường. Qua thời gian thực hiện, Ðoàn công tác đã lập biên bản và đề xuất Chủ tịch UBND thị xã ra quyết định xử phạt 4 cơ sở, doanh nghiệp vi phạm Luật Môi trường trong sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Cơ sở Nguyễn Thị Vui, Công ty TNHH Lưu Ngãi, Công ty TNHH Văn Lợi và Công ty TNHH Cường Ðiệp (tất cả đóng ở CCN Gò Ðá Trắng). Tuy nhiên, so với thực tế vi phạm, con số này còn rất khiêm tốn.
Khu xử lý nước thải dùng để… nhốt gà (!)
Ðể giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại CCN Thanh Liêm (xã Nhơn An), cuối năm 2010, UBND huyện An Nhơn (nay là thị xã An Nhơn) đầu tư hơn 3 tỉ đồng xây dựng khu xử lý nước thải tập trung tại CCN; khoảng giữa năm 2012 khu xử lý nước thải hoàn thành. Song, từ đó đến nay, khu xử lý nước thải này chỉ “trùm mền” và dùng để nuôi, nhốt gà (ảnh trên).
TRỌNG LỢI