Bạn đọc cần biết:
Từ 1. 7.2015 hàng hóa nhập khẩu phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp
Ông Trần Đức Tiến
Từ 1.7.2015, Thông tư liên tịch 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BQP-BCA (gọi tắt là Thông tư 64) quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng nhập khẩu lưu thông trên thị trường có hiệu lực. Phóng viên báo Bình Định phỏng vấn ông Trần Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Bình Định, về vấn đề này.
* Thưa ông, Thông tư 64 về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng nhập khẩu có gì mới so với những quy định trước đây?
- Thông tư 64 ban hành nhằm thay thế Thông tư liên tịch 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA. Theo đó, cả hai thông tư đều quy định các cơ sở kinh doanh hàng nhập khẩu khi vận chuyển, bày bán… đều phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh hàng hóa hợp pháp.
Tuy nhiên, điểm mới của Thông tư 64 là tại thời điểm kiểm tra hoặc trong thời hạn 24 giờ liên tục, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cuối hạn 24 giờ liên tục nếu trùng vào thời gian nghỉ theo quy định thì việc xuất trình hồ sơ được thực hiện vào thời gian làm việc tiếp theo thời gian nghỉ và cơ quan kiểm tra phải ghi rõ thời gian, địa điểm yêu cầu xuất trình vào biên bản. Còn theo Thông tư liên tịch 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA thì thời hạn phải xuất giấy tờ là 72 giờ.
Ngoài ra, thông tư cũng nêu rõ, hàng nhập lậu là hàng nhập khẩu nhưng cơ sở sản xuất, kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nêu trên tại thời điểm kiểm tra; hoặc có nhưng qua điều tra, xác minh của cơ quan chức năng thì hóa đơn, chứng từ đó không hợp pháp; hoặc hàng do cơ sở sản xuất, kinh doanh thu gom của cư dân biên giới nhưng không đủ chứng từ.
* Vậy các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào?
- Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng. Cụ thể, phạt từ 400 ngàn đồng đến 40 triệu đồng nếu giá trị hàng hóa nhập lậu vi phạm có giá từ 1 triệu - 100 triệu đồng; phạt 50 triệu đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trên 100 triệu đồng. Người hoặc tổ chức vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm nhập thì mức phạt gấp 2 lần mức phạt trên. Ngành chức năng còn tịch thu hàng hóa hoặc buộc phải tiêu hủy nếu hàng hóa là vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường… Ngoài ra, chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện có hành vi cố ý vận chuyển hoặc người có hành vi cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu.
Tuy nhiên có một thực tế tại tỉnh ta là dù thực hiện theo thông tư cũ hay mới thì vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh hàng nhập khẩu không nắm rõ quy định nên đã vi phạm. Từ đầu năm đến nay, Chi cục QLTT Bình Định đã phát hiện 5 trường hợp kinh doanh hàng cấm, 7 trường hợp kinh doanh hàng nhập lậu. Đơn cử như vào ngày 31.1.2015, Đội QLTT số IV phát hiện và xử lý ô tô tải BKS 79C - 04275 đang bỏ hàng tại phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn vận chuyển nhiều hàng hóa như nồi cơm điện, ấm siêu tốc, máy sấy tốc… có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Chi cục QLTT kiểm tra một cơ sở kinh doanh bột ngọt tại phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn đầu năm 2015.
* Để việc triển khai thực hiện quy định theo Thông tư 64 đồng bộ và hiệu quả, Chi cục QLTT sẽ có những biện pháp gì, thưa ông?
- Số lượng cơ sở kinh doanh tại tỉnh ta rất lớn (hơn 24.000 hộ) và phân bổ rộng khắp toàn tỉnh nhưng vì kinh phí hạn hẹp, ngành chức năng chưa mở được chuyên mục tuyên truyền, phổ biến riêng về lĩnh vực này trên phương tiện truyền thông đại chúng. Sắp tới, Chi cục QLTT sẽ phối hợp cùng với các ngành chức năng xây dựng chương trình tuyên truyền về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trong đó có nội dung của Thông tư 64. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phổ biến trực tiếp đến các cơ sở kinh doanh thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường và yêu cầu ký cam kết không mua bán hàng nhập khẩu không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp hoặc hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phổ biến tập trung thông qua các Ban quản lý chợ, Trung tâm thương mại, siêu thị… Đặc biệt, Chi cục QLTT Bình Định sẽ quán triệt trong lực lượng phải xử lý nghiêm, đúng pháp luật với các trường hợp vi phạm quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng nhập khẩu lưu thông trên thị trường.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành giao thông phổ biến đến các chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện chỉ được vận chuyển hàng hóa có hóa đơn, chứng từ đúng theo quy định.
* Xin cảm ơn ông!
PHÚC LỘC (Thực hiện)