Dự án cấp nước máy sinh hoạt cho 9 thị trấn: Người dân đã chịu sử dụng nước sạch
Tín hiệu vui này đã giúp Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Ðịnh “cắt lỗ” hàng tỉ đồng mỗi năm, vốn kéo dài từ 2010 đến 2014.
Năm 2009, Dự án cấp nước 9 thị trấn được tỉnh vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tư, nhằm cải thiện điều kiện cấp nước sản xuất và sinh hoạt, vệ sinh môi trường cho khoảng 24.000 hộ dân ở các thị trấn trong tỉnh, hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động. Thế nhưng sau đó, nhiều hộ dân cũng như cơ quan, đơn vị không chịu sử dụng nước từ dự án, khiến Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Định phải bù lỗ, dù đường ống và đồng hồ nước được công ty kéo đến và bắt miễn phí đến tận nơi.
Dân đăng ký sử dụng nhiều
Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Định, cho biết: “Khi dự án đi vào hoạt động, các hộ dân, cơ quan, đơn vị chỉ cần đấu nối, mở nước sử dụng, thế nhưng số lượng đăng ký sử dụng rất ít; trong đó, có hộ chỉ sử dụng vài m3/năm. Chính vì vậy, từ năm 2010 đến năm 2014, mỗi năm Công ty phải bù lỗ 2 - 3,5 tỉ đồng để trả tiền vay ngân hàng và chi phí vận hành. Tuy nhiên, từ năm 2015, số hộ đăng ký sử dụng nước máy tăng mạnh, hiện có 23.417 hộ đăng ký, không chỉ vậy, lượng nước sử dụng của các hộ dân cũng tăng cao nên các xí nghiệp cấp nước của dự án đã hoạt động 96,9% công suất (hơn 10.320m3/ngày đêm) và Công ty không còn phải bù lỗ”.
Theo bà Phạm Thị Lời, Phó giám đốc Xí nghiệp cấp nước số 1 (cung cấp nước cho các thị trấn: Bình Định, Tuy Phước, Đập Đá, Gò Găng, Ngô Mây), thì: “Để người dân thay đổi thói quen chuyển từ dùng nước giếng, nước mưa trong sinh hoạt hàng ngày sang dùng nước máy là một quá trình. Thời gian qua, Xí nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên dần dần người dân đã thay đổi nhận thức, từ đó số hộ đăng ký sử dụng nước máy tăng mạnh”.
Bà Thái Thị Cúc (ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn), mới đăng ký sử dụng nước từ đầu năm 2015, cho hay: “Hệ thống nước sạch được bắt chạy trước nhà từ năm 2009 nhưng do lâu nay gia đình có thói quen sử dụng nước giếng nên không đăng ký, dù nước giếng bị nhiễm phèn. Sau một thời gian, được Công ty cũng như chính quyền tuyên truyền, vận động, vả lại thấy các nhà xung quanh sử dụng nước máy vừa tiện lợi vừa đảm bảo vệ sinh nên tháng 2.2015 tôi đăng ký bắt nước máy sử dụng. Nhiều hộ dân trong khu vực cũng thấy được lợi ích của việc sử dụng nước máy nên cũng đăng ký”.
Nhà máy hoạt động vượt công suất
Theo ông Phạm Ngọc Tân, Giám đốc Xí nghiệp cấp nước số 1, trong thời gian gần đây người dân ở phường Bình Định (An Nhơn), thị trấn Tuy Phước (Tuy Phước), trị trấn Ngô Mây và khu vực Gò Găng (Phù Cát) có nhu cầu bắt nước máy sử dụng với số lượng lớn nhưng các nhà máy ở các khu vực này đã hoạt động vượt công suất, chỉ có nhà máy ở phường Đập Đá hoạt động 80% công suất. Không chỉ số người đăng ký sử dụng tăng mà khối lượng nước sử dụng của các hộ dân cũng tăng cao, trước đây bình quân chỉ 2-3m3/hộ/tháng thì nay là gần 12 m3/hộ/tháng.
Tại Xí nghiệp cấp nước số 2 cung cấp nước cho thị trấn Bình Dương (Phù Mỹ), Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân), Bồng Sơn và Tam Quan (Hoài Nhơn), tình hình cũng tương tự, một số nhà máy cũng đã hoạt động vượt công suất. Ông Bùi Quang Tú, Giám đốc Xí nghiệp, cho biết: “Nhà máy nước ở thị trấn Bình Dương có công suất thiết kế 500m3/ngày đêm nhưng có thời điểm hoạt động 800m3/ngày đêm, nhà máy nước ở thị trấn Tăng Bạt Hổ công suất thiết kế 600m3/ngày đêm, có thời điểm họat động lên trên 700m3/ngày đêm”.
Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Định Nguyễn Văn Châu cho hay, trước nhu cầu sử dụng nước máy tăng cao của người dân thuộc Dự án cấp nước máy sinh hoạt cho 9 thị trấn, trước mắt Công ty đã trình với UBND tỉnh cho đầu tư nâng công suất nhà máy nước tại khu vực Gò Găng từ 1.250m3/ngày đêm lên gấp đôi; đồng thời tiếp tục tìm các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp các nhà máy còn lại trong dự án, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước máy của người dân.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHÚC