Cần biết về vi chất dinh dưỡng
Ngày Vi chất dinh dưỡng năm nay được tổ chức vào ngày 1 và 2.6 ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước nhằm kêu gọi bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú. Theo đó, trong các ngày của chiến dịch sẽ bổ sung Vitamin A cho trẻ 6-36 tháng tuổi, trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao bị thiếu Vitamin A và bà mẹ sau sinh 1 tháng.
Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng thường gặp ở trẻ em, phụ nữ có thai và đang cho con bú. Ngoài các đối tượng trên, trường hợp bữa ăn hàng ngày đơn điệu, thiếu dầu, mỡ cũng không đáp ứng đủ lượng vi chất cần thiết.
Để thanh toán tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng đòi hỏi phải có một tầm nhìn chiến lược, phối hợp với các biện pháp cần thiết. Việc cho uống bổ sung Vitamin A sẽ giảm 23% tử vong trẻ dưới 5 tuổi, giảm 70% tỉ lệ mù lòa; sử dụng muối i-ốt trong các bữa ăn hàng ngày sẽ tăng chỉ số thông minh ở trẻ; uống bổ sung sắt giảm 20% tỉ lệ tử vong ở bà mẹ mang thai; bổ sung kẽm làm giảm 27% tỉ lệ tiêu chảy trẻ; tẩy giun và cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
Vi chất dinh dưỡng bao gồm các vitamin (A, B, C, D, E…), vi chất khoáng (sắt, kẽm, đồng, silen, mangan…). Thuật ngữ thiếu vi chất dinh dưỡng hiện nay thường để chỉ thiếu 3 vi chất dinh dưỡng có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng quan trọng là Vitamin A, i-ốt và sắt.
Để khắc phục tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, các bậc cha mẹ cần tìm hiểu và thực hành tốt dinh dưỡng cho gia đình, bữa ăn hàng ngày cần đến 15-20 loại thực phẩm để đảm bảo đủ vi chất. Vì vậy, cần thay đổi thói quen chỉ ăn một vài loại thức ăn đơn thuần; tránh quan niệm sai lầm chỉ cần cho con uống sữa là đủ chất mà lơ là trong việc chăm sóc bữa ăn cho trẻ sẽ làm trẻ suy dinh dưỡng (khi trẻ hơn 6 tháng thì sữa không còn đủ chất cho nhu cầu phát triển của trẻ).
Đạm từ cá, đậu nành, đậu khô, trứng cũng tốt như các các loại thịt, sữa, nên ăn cá 3 lần/tuần và mỗi người ăn ít nhất 3 kg cá/tháng. Ngoài ăn cơm ra còn cần ăn thêm bắp, khoai, đậu các loại; không kiêng cữ dầu, mỡ đối với trẻ em; ăn nhiều rau có lá sậm màu, khoảng 300-400g/ngày. Nên sử dụng muối i-ốt trong chế biến thức ăn, nhiều người quen sử dụng bột nêm mà quên mất việc dùng muối i-ốt là một sai lầm nguy hại.
BS. NGUYỄN THỊ BÍCH
(Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản tỉnh)