Hoài Nhơn xử lý các hộ nuôi tôm ngoài quy hoạch
Mấy năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Hoài Nhơn đào ao nuôi tôm trên đất vườn, đất sản xuất nông nghiệp với hy vọng “đổi đời”. Tuy nhiên, việc nuôi tôm tự phát của các hộ dân đã phá vỡ quy hoạch sản xuất, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích nuôi trồng thủy sản trong vùng quy hoạch tại địa phương.
Từ khoảng năm 2010, một số hộ dân ở các xã: Hoài Mỹ, Hoài Hương, Tam Quan Nam… tự ý đào ao nuôi tôm trên đất vườn, đất sản xuất nông nghiệp… để nuôi tôm. 1, 2 vụ đầu việc nuôi tôm như thế thu được món lãi khá hấp dẫn nên nhiều hộ khác bắt chước làm theo. Kết quả hàng chục héc-ta ao tôm trái phép xuất hiện. Hầu hết các hộ này đều khai thác nguồn nước ngầm để nuôi tôm, sau đó xả nước thải trực tiếp ra sông, suối xung quanh khiến môi trường bị ô nhiễm nặng. Nguồn nước ngầm vì thế có nguy cơ bị cạn kiệt, ô nhiễm và bị xâm nhập mặn.
Việc một số hộ dân nuôi tôm tự phát không chỉ ảnh hưởng môi trường mà còn vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai.
- Trong ảnh: Một hồ nuôi tôm tự phát tại xã Tam Quan Nam.
Các hộ nuôi tôm cũng không tuân thủ lịch thời vụ, cứ thu hoạch xong lứa này là thả tiếp lứa mới nên mỗi năm có thể nuôi đến 4 vụ. Việc thả nuôi tôm kiểu này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến phát sinh dịch bệnh. Khi có dịch bệnh, người nuôi tôm lại xả trực tiếp nước thải ra môi trường xung quanh, ảnh hưởng rất lớn đến các hồ tôm hợp pháp, trong vùng quy hoạch.
Trước thực trạng này, huyện Hoài Nhơn nhiều lần làm việc với các hộ dân để tuyên truyền, phân tích tác hại của việc nuôi tôm ngoài quy hoạch; đồng thời, đưa ra nhiều biện pháp kiên quyết để xử lý, ngăn chặn. Tuy nhiên, hiệu quả ngăn chặn, tái lập trật tự không đáng kể.
Điển hình như hộ ông T.V.D ở thôn Cửu Lợi Bắc, xã Tam Quan Nam, dù gia đình có trên 1.000 m2 mặt nước nuôi tôm nhưng giữa năm 2011, gia đình ông tiếp tục đầu tư 50 triệu đồng để đào gần 500 m2 làm hồ, phủ bạt trong vườn nhà để thả nuôi tôm. Chính quyền địa phương nhiều lần yêu cầu gia đình ông đến tháng 4.2013 phải tự giác dỡ bỏ hồ tôm nhưng đến giữa tháng 5.2013, hộ ông D. vẫn tiếp tục thả nuôi vụ mới. Ông D phân bua: “Do mùa trước không thu được bao nhiêu nên cố thả thêm lần này nữa để mong thu hồi vốn”.
Ông Trương Đình Dũng, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Nam, cho biết: “Hiện nay, ở xã Tam Quan Nam còn 14 hộ không chấp hành chủ trương tháo dỡ hồ nuôi tôm tự phát mà UBND huyện đã chỉ đạo. Hầu hết các hộ nuôi tôm ngoài quy hoạch thả nuôi không theo lịch thời vụ, tôm dễ mắc bệnh, hệ quả là thường xuyên bị lỗ nặng. Để có thể ngăn chặn dứt điểm tình trạng nuôi tôm này, đề nghị ngành điện lập tức ngưng cung cấp điện nếu họ không ngừng việc nuôi tôm trái phép”.
UBND huyện Hoài Nhơn, cũng đã chỉ đạo các xã Tam Quan Nam, Hoài Hương phối hợp với ngành chức năng của huyện xử lý dứt điểm những hộ nuôi tôm tự phát ngoài vùng quy hoạch bằng biện pháp hành chính; tổ chức họp dân để phân tích những tác hại do việc nuôi tôm tự phát gây ra; việc sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Điều 136, Luật Đất đai năm 2003. Đồng thời, chính quyền địa phương và ngành chức năng kiên quyết xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật nếu các hộ vẫn tiếp tục tái phạm.
CÔNG LUẬN