HƯỞNG ỨNG NGÀY DÂN SỐ THẾ GIỚI 11.7
Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình: Hướng đến người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai
Đó là chủ đề của Ngày Dân số thế giới (11.7) năm nay ở nước ta. Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh, cho biết nội dung này được cụ thể hóa từ chủ đề chung cho ngày Ngày Dân số thế giới (11.7) năm 2015: “Hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương trong khủng hoảng”.
● Thưa ông, vì sao chủ đề Ngày Dân số thế giới năm nay đối với nước ta là “Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS-KHHGĐ) cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai” ?
Cán bộ dân số tuyên truyền về SKSS-KHHGĐ cho người dân khu vực ven biển phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn.
- Chủ đề ngày Dân số Thế giới 11.7 năm nay của UNFPA đưa ra toàn cầu là: “Hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương trong khủng hoảng”. Để phù hợp với điều kiện của Việt Nam, cũng như thuận tiện cho việc triển khai của các địa phương, từ chủ đề toàn cầu được Trung ương cụ thể hóa phù hợp với tình hình nước ta là “Hỗ trợ CSSKSS và KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai”. Vì thực tế ở nước ta, phụ nữ và trẻ em gái thường là những người phải gánh chịu nhiều nhất những rủi ro như bị lạm dụng và bóc lột tình dục, gánh chịu bạo lực, bị cưỡng hôn, mắc các bệnh có liên quan tới SKSS, tử vong do không được bảo vệ hoặc không được viện trợ để đáp ứng nhu cầu của họ. Bảo đảm sự an toàn, nhân phẩm và sức khỏe của họ góp phần đảm bảo cho hạnh phúc của gia đình và cộng đồng.
● Tại Bình Định, những vùng nào người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai và chúng ta đã chuẩn bị ứng phó như thế nào khi thiên tai xảy ra?
- Tại tỉnh ta, ngành Y tế luôn chủ động sẵn sàng ứng phó khi có biến đổi khí hậu như hạn hán, thiên tai, bão lũ; tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn… trong công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nói chung, trong đó có CSSKSS-KHHGĐ. Chi cục DS-KHHGĐ đã tham mưu Sở Y tế ban hành Công văn số 406/SYT-NVY ngày 17.3.2015 hướng dẫn triển khai Chiến dịch SKSS-KHHGĐ năm 2015.
Hưởng ứng chủ đề “Hỗ trợ CSSKSS và KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai”, ngành dân số Việt Nam cũng như công tác CSSKSS- KHHGĐ ở tỉnh ta sẽ chú trọng nhiều hơn tới việc đảm bảo dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ cho người dân ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Theo đó, tập trung vào các giải pháp thiết thực như: Tăng cường năng lực hệ thống tổ chức, điều hành, quản lý công tác chuẩn bị, đáp ứng và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai của ngành từ trung ương đến địa phương; xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách trong chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên dân số; thiết lập cơ chế thông tin trong ngành để đánh giá tác động thiên tai và làm cơ sở cho việc chủ động chuẩn bị, ứng phó. Đồng thời, triển khai nghiên cứu bổ sung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, kỹ năng ứng phó với thiên tai của đội ngũ trong ngành; khuyến khích sự tham gia của thanh thiếu niên vào quá trình chuẩn bị ứng phó, nhóm dễ tổn thương cần trang bị kiến thức, hiểu biết khi tình huống xảy ra, xác định vai trò của các tổ chức đơn vị liên quan, huy động sự tham gia từ nhiều phía trong lập kế hoạch, tuyên truyền, phân tích cũng như triển khai các hoạt động ứng phó…
Phụ nữ mang thai được CSSKSS ở Trung tâm Y tế huyện An Lão.
● Xin ông cho biết thêm về hoạt động truyền thông, vận động, cung cấp các dịch vụ CSSKSS-KHHGD đến các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ở tỉnh ta thời gian qua?
- Hiện nay, ở tỉnh ta Chiến dịch CSSKSS-KHHGĐ năm 2015 được tổ chức triển khai tại 26 xã đặc biệt khó khăn (thuộc 6 huyện: Phù Mỹ, Hoài Ân, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão) theo Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19.9.2013 của Ủy ban Dân tộc về việc công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015. Kết quả gói dịch vụ KHHGĐ đạt 71% trong đó: Triệt sản (4/9) đạt 44,4%; dụng cụ tử cung (240/260) đạt 92,3%; thuốc tiêm (214/300) đạt 71,3%; thuốc cấy (14/69) đạt 20,3%. Kết quả gói dịch vụ phòng chống viêm nhiễm đường sinh dục cũng đạt kết quả khả quan, số lượt phụ nữ được khám phụ khoa (1.108/780) đạt 142,1%; số ca soi tươi (631/520) đạt 121%; số ca tầm soát ung thư cổ tử cung (645/650) đạt 99,2%.
Nhìn chung, hệ thống làm công tác DS-KHHGĐ các cấp đã cơ bản làm tốt chức năng tham mưu, phối hợp và chỉ đạo trong triển khai Chiến dịch. Công tác chuẩn bị, lập kế hoạch, phổ biến, triển khai kế hoạch... được thực hiện tương đối tốt và khá sớm. Hầu hết các địa bàn triển khai Chiến dịch đều thành lập Ban chỉ đạo Chiến dịch, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở kịp thời trong suốt thời gian triển khai Chiến dịch. Việc tổ chức cung cấp dịch vụ tại địa bàn Chiến dịch cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm DS-KHHGĐ với Trung tâm Y tế (Đội KHHGĐ) huyện đã giúp cho Chiến dịch ở các xã diễn ra thuận lợi, nhịp nhàng. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường chú trọng và tập trung cho những địa bàn khó khăn, yếu kém, kịp thời đề xuất, phối hợp với chính quyền địa phương đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, vướng mắc.
● Xin cảm ơn ông!
MỸ HẠ (Thực hiện)