“Ứng xử” với tài nguyên
Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 700 triệu đồng đối với hai doanh nghiệp vì đã không hoàn thổ, trồng cây phục hồi môi trường sau khai thác titan. Đối với những ai quan tâm đến vấn đề này thì đây là một tin vui, thể hiện sự kiên quyết của chính quyền tỉnh đối với việc quản lý khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, khai thác titan là một trong những hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản nổi bật ở tỉnh ta. Rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào lĩnh vực này và đã trở nên giàu có, không ít chủ doanh nghiệp đã lên hàng “đại gia” nhờ khai thác và xuất khẩu titan. Tuy nhiên, cùng với sự “phất” lên ấy của một số người thì những hệ lụy không mong muốn về môi trường đã xảy ra, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống và sản xuất của cộng đồng dân cư lân cận các mỏ đã khai thác. Nguyên nhân chỉ vì doanh nghiệp khai thác xong đã không thực hiện cam kết việc hoàn thổ, trồng cây phục hồi môi trường.
Do khai thác titan, nhiều rừng dương phòng hộ đã trở nên tan hoang, những vùng rừng phòng hộ ken dày cây cối bỗng chốc trở thành “vùng trắng”. Vấn nạn “cát bay” khi nắng gió, “cát chảy” khi mưa bão khiến cho cuộc sống của nhiều gia đình bị ảnh hưởng khi đất đai canh tác bị xâm thực, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt dẫn đến canh tác khó khăn…
Tài nguyên là tài sản quốc gia. Việc khai thác tài nguyên là cần thiết cho sự phát triển cả về kinh tế và xã hội của quốc gia, trong đó có lợi ích của địa phương và cộng đồng dân cư có tài nguyên đó. Thế nhưng, với tài nguyên thì không phải thế khi số thuế thu được không đáng là bao trong khi đường sá thì hư hỏng, môi trường sinh thái bị xâm hại nặng nề. Rõ ràng là “lợi bất cập hại”!
Liên quan đến tài nguyên xin dẫn lại một câu chuyện nhỏ. Ở một số nước, người ta có quy định khi ăn uống thì chỉ được mua số lượng đủ ăn theo nhu cầu, không được bỏ thừa mứa dù thức ăn đó đã trả tiền mua, nếu không thực hiện thì nhà chức trách sẽ phạt. Lý lẽ được đưa ra là: tiền là của anh thì anh có quyền tiêu xài tùy ý, nhưng thực phẩm là thứ phải tiêu tốn rất nhiều tài nguyên để làm ra, và tài nguyên là tài sản chung của cả quốc gia, của cả cộng đồng nên anh không được phép lãng phí dù là anh đã trả tiền (!).
Từ câu chuyện nhỏ này, liên hệ với câu chuyện khai thác titan thấy gợi lên nhiều điều đáng suy nghĩ trong việc “ứng xử” với tài nguyên. Có lẽ cùng với việc xử phạt các doanh nghiệp vi phạm về môi trường trong khai thác tài nguyên, thì điều quan trọng, căn cơ, gốc rễ hơn là việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên. Đã đến lúc chính quyền cần phải thực hiện các biện pháp hữu hiệu để đảm bảo rằng nguồn tài nguyên được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nhất với mục tiêu phát triển bền vững, vì lợi ích chung của cả cộng đồng.
H.Đ