Cuộc thi sáng tác VHNT về đề tài Lực lượng vũ trang tỉnh:
Phản ánh trung thực và sinh động về người lính
Hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Lực lượng vũ trang (LLVT) Bình Định (19.7.1945- 19.7.2015); chiều 9.7, tại Hội trường Nhà truyền thống, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh (TP Quy Nhơn), Bộ CHQS tỉnh và Hội VHNT tỉnh đã Tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác VHNT về đề tài LLVT tỉnh.
Cuộc thi sáng tác chủ đề “LLVT tỉnh Bình Định- 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành” được phát động từ ngày 6.3.2014 và kết thúc 15.6.2015, với 160 tác phẩm (gồm 4 thể loại: ca khúc, thơ, truyện ngắn và bút ký) của 81 tác giả trong và ngoài tỉnh gửi dự thi.
Ban tổ chức trao giải Cuộc thi sáng tác VHNT về đề tài LLVT cho các cá nhân đoạt giải. Ảnh: VĂN CẢNH- Hội VHNT tỉnh
1.
Nhìn chung, các tác phẩm tham gia Cuộc thi đã phản ánh trung thực và sinh động về người lính, anh bộ đội Cụ Hồ và cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng kinh tế của LLVT ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bút ký Bộ đội về làng (tác phẩm đoạt giải Nhất) của Phạm Kim Sơn viết về người lính xây dựng Nông thôn mới ở xã Cát Tài (Phù Cát) thể hiện khá sắc sảo, tạo dựng hình ảnh đa dạng và đẹp về người lính, về tình quân dân trong thời bình. Bên cạnh đó, chùm thơ Dưới tượng đài chiến thắng, Bữa cơm người lính đảo, Khúc hát bên dòng sông La, Ở nghĩa trang Đồi Mười, Mùa xuân trên Đèo Nhông- Dương Liễu của Nguyễn Văn Thành (bút danh Triều La Vỹ) đã thể hiện khá thành công, mới mẻ và sinh động về những chiến công của người lính, ngợi ca truyền thống yêu nước, bảo vệ quê hương.
Không chỉ đạt giải ở thơ, Nguyễn Văn Thành còn khá thành công ở thể loại truyện ngắn (bút danh Linh Ngọc) với giải Nhất chùm truyện ngắn Ngã ba sông, Ngọn lửa hình trái tim, Hoa mặt trời. Thế mạnh của Linh Ngọc là khả năng hành văn và vốn kiến thức cuộc sống dồi dào cùng các thủ pháp nghệ thuật mới mẻ trên mỗi trang viết. Truyện ngắn Ngã ba sông đã làm cho người đọc khá ấn tượng về những người trẻ, cùng lứa ở làng, quen thân nhau rồi lớn lên cùng tham gia cách mạng. Chi tiết đời ông, đời cha, đời mẹ rồi đời con lặng lẽ bơi qua bờ sông bên kia là tới núi (đi theo kháng chiến) là một chi tiết hay. Cuộc tình tay ba Hương và Hải, Hương và Chí cũng được tác giả miêu tả khá nhuần nhị và cảm động: “Chí đã nuôi đứa con trong bụng của Hương (của Hải) rồi sau này miệt mài tìm hài cốt bạn về để chôn cất. Cuối truyện, độc giả mới biết Hoài là con của Hải”. Cái hay nữa là tác giả cài rất kín truyện khi nhân vật “tôi” kể chuyện (Hải), thực ra đã chết. Truyện cuốn hút với những hình ảnh, chi tiết sinh động.
“Nhìn chung Cuộc thi đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến đội ngũ cầm bút chuyên và không chuyên. Nhiều tác phẩm đã khắc họa rõ nét về hình ảnh LLVT trong cả thời chiến lẫn thời bình và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng độc giả”.
Ông TRẦN QUANG KHANH, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, nhận xét về Cuộc thi
Ngoài ra, các bút ký như Đẹp mãi tên người du kích Lộ Diêu, Làng vui (Bùi Tấn Phước), Anh hùng giữa lòng dân, Ở một trung đoàn huấn luyện (Trần Hà Nam); truyện ngắn Không biết gì về chiến tranh (Lưu Thị Mười), Vàng hương và bông cúc trắng, Phía bên kia đồi đá (Võ Hạnh); thơ Chuyện vợ chồng tỉ phú thương binh, Niềm vui của mẹ, Nhắn tìm đồng đội (Đinh Dũng Toản), Chú tôi, Về thăm cầu Cương (Vũ Xuân Thành); ca khúc Vì tôi là tân binh, Nhơn Châu đảo nhỏ tôi yêu, Bình Định yêu thương (Minh Phúc), Thương về đảo nhỏ, Âm vang nhịp điệu núi rừng (Trần Ngọc Sơn), Tự hào truyền thống LLVT Bình Định, Xứng danh bộ đội Cụ Hồ (Huỳnh Hiệp An)... cũng đem lại cho bạn đọc ấn tượng mới mẻ.
2.
Sự thành công của Cuộc thi sáng tác VHNT về đề tài LLVT tỉnh không chỉ ở số lượng tác phẩm, tác giả tham gia, mà điều đáng quý là có những tác giả “người trong cuộc”. Người đọc có thể tìm thấy trong tác phẩm của họ ý thức và trách nhiệm cao của người lính trong lao động nghệ thuật.
Nét đẹp hiện lên từ tác phẩm là chất văn, chất nhạc mộc mạc, bình dị như chính “trang đời” của người lính. Trung tá Lương Thanh Bình, cán bộ Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh, tác giả của tác phẩm thơ Đón anh về và lời ca khúc Bài ca người lính xứ dừa (giải Khuyến khích), bộc bạch: “Lấy cảm hứng từ những lần giúp dân, những cuộc hành quân và từ những chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ cùng đồng đội của mình mà tim tôi ngân lên những mạch nguồn cảm xúc. Lời thơ cũng chính là tiếng lòng của tôi”.
Phát biểu tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi, Đại tá Nguyễn Hùng Anh, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, tâm đắc: “Cuộc thi sáng tác VHNT lần này là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống LLVT tỉnh Bình Định. Đây thực sự là sân chơi bổ ích, tăng tình đoàn kết, giao lưu giữa các đơn vị. Qua đó, phát hiện những tài năng và những tác phẩm nghệ thuật giá trị, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh, góp phần động viên LLVT tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc”.
KIM CƯƠNG
Kết quả Cuộc thi, có 20 giải cho các tác phẩm và chùm tác phẩm (gồm: 2 giải Nhất, 5 giải Nhì, 5 giải Ba, 8 giải Khuyến khích). Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho tác phẩm Bộ đội về làng (bút ký) của Phạm Kim Sơn và chùm tác phẩm Ngã ba sông, Ngọn lửa hình trái tim, Hoa mặt trời (truyện ngắn) của Linh Ngọc (tên thật Nguyễn Văn Thành). Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao giải Nhì, Ba, Khuyến khích ở các thể loại.