Những chiếc nhãn vở của mẹ
Một chiều ghé góc kho cũ, tôi bắt gặp những quyển vở từ ngày bắt đầu mới tập viết chữ cho tới năm lớp mười hai. Chúng được bố xếp ngay ngắn trong thùng carton cùng mùi long não ngai ngái. Toàn bộ còn nguyên bìa bọc vỏ bao xi măng loang lổ ngả màu vì thời gian. Những chiếc nhãn vở trên mỗi quyển vở nhòe nét mực Cửu Long xưa.
Cứ đầu mỗi kì học mẹ lại ngồi hì hụi cắt, dán, thiết kế nhãn vở cho cả vở viết và sách giáo khoa. Mẹ chỉ học hết bậc tiểu học nhưng chữ viết của mẹ ngay ngắn, thẳng hàng không chê vào đâu được. Mẹ là một người cẩn thận và khá cầu toàn nên mỗi khi làm chiếc nhãn nào không ưng ý, vừa mắt bà lại hủy và làm lại cái khác. Chuyện học hành của con cái mẹ ưu tiên số một. Và cách bà chăm lo cho các con khác hẳn những bà mẹ khác. Điển hình như những chiếc nhãn vở. Bà muốn phải tự tay bà làm nên cho các con. Từ những điều nhỏ nhặt như vậy cũng đủ thấy bà đặt hi vọng sự học vào những đứa con như thế nào.
Để có những chiếc nhãn vở vuông vắn đầy đủ các thông tin chữ viết trên nhãn vở mẹ phải thức hôm thức trưa. Mỗi chữ cái đầu như tên họ, tên đệm và tên riêng bà viết cách điệu trông rất đẹp. Tôi lần giở những quyển vở năm học lớp 2, thật ngạc nhiên vì những quyển vở này có những chiếc nhãn vở rất đặc biệt. Nó không đơn thuần là chiếc nhãn vở hình chữ nhật có thông tin, trường lớp, họ tên nữa mà xung quanh những thông tin đó mẹ trang trí rất đẹp mắt. Chiếc thì mẹ vẽ chiếc lá, chiếc thì mẹ vẽ bông hoa, chú bướm nho nhỏ.
Mỗi chiếc nhãn vở mẹ làm đã dạy cho tôi nhiều bài học khác nhau. Đó là sự tiết kiệm khi điều kiện chưa cho phép hoang phí. Là sự cẩn thận, tỉ mỉ, đức tính nên có để mang theo cùng hành trang vào đời. Và hơn hết bà chứng tỏ rằng, bố mẹ bao giờ cũng yêu thương và không ngừng quan tâm con cái.
Chúng tôi, những đứa con năm xưa giờ đã đủ lông đủ cánh, bươn chải xứ người tự nuôi sống được bản thân. Tuy chưa giúp đỡ được gì cho mẹ nhưng mỗi lần về quê hay gọi điện mẹ vui lắm. Anh chị cả lập gia đình và quyết định về quê làm việc để gần người. Ngoài việc vui thú với con cháu, người vẫn giữ thói quen ham đọc và viết. Ngày sinh nhật mẹ, bốn chị em đồng ý mua tặng mẹ một chiếc kính lão, quyển tập và cây viết để mỗi khi buồn mẹ lại viết, vẽ vời…
Chiều nay, từ góc kho cũ, tôi cầm tập vở có tấm nhãn vở đặc biệt nhất. Dòng chữ “BỐ MẸ YÊU CON” được người viết ở bìa góc nhãn vở trong cuốn tập làm văn lớp Ba. Tôi chạy ùa xuống, ôm chặt lòng mẹ, nước mắt tuôn chảy lúc nào không hay…
CAO VĂN QUYỀN