Ẩn họa từ khói shisha
“Để mình trở nên nổi trội, một số người trong giới trẻ rủ nhau cùng sử dụng shisha mỗi khi vào bar, pub (quán bia, rượu có đồ ăn nhẹ) hay các quán trà chanh... Trong quan niệm của một số thanh thiếu niên, shisha không gây nghiện và an toàn. Thực chất, shisha ảnh hưởng rất nhiều đến hệ hô hấp và thần kinh.
Như hút thuốc lá (!?)
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua, nhóm bạn của H. (phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) rủ nhau đi giải khuây. Vào một quán pub trên đường Đô Đốc Bảo, nhìn quanh mấy bàn bên cạnh đều có một bình shisha, nhóm của H. (đa phần là nữ) cũng rủ nhau gọi một bình. H. kể: “Thấy mọi người xung quanh cầm ống hút một hơi và phà khói ra rất thú vị nên bọn em cũng thử cho biết. Lần đầu dùng em bị sặc, nhưng sau đó thì bình thường, thấy mình không lạc hậu so với mọi người”.
Một thiếu niên đăng hình mình hút shisha lên facebook như một cách khoe đẳng cấp của mình.
Khi được hỏi, có biết tác hại của shisha như thế nào không, thì B. (học sinh lớp 11, ở phường Quang Trung, Quy Nhơn), thường sử dụng shisha cùng bạn bè, nói: “Hút shisha cũng như hút thuốc lá, bây giờ đi trà chanh hay vào bar mừng sinh nhật, bạn bè thường cùng nhau gọi shisha ra để cùng sử dụng. Tụi em hay nói với nhau “Hút như thế này mới gọi là chơi”.
Không chỉ thế, trên trang cá nhân của một vài bạn trẻ, họ không ngần ngại công khai hình ảnh hút shisha, để thể hiện sự sành điệu của mình.
Với lý do không phải là ma túy, không bị cấm nên hiện nay, các quán từ bar đến pub và trà chanh đều đưa shisha vào menu của quán như một thứ “đặc sản”. Các quán có cung cấp shisha trang trí khá bắt mắt, phù hợp thị hiếu của thanh thiếu niên nên thu hút nhiều khách từ nhóm đối tượng này. Và điều đáng lo lắng là không chỉ có thanh niên, ngày càng có thêm nhiều khách hàng thuộc lứa tuổi thiếu niên - cả nam lẫn nữ - đến với shisha.
Con đường ngắn dẫn đến ma túy
Ranh giới giữa việc hút shisha hay các loại chất kích thích khác với việc nghiện ngập ma túy rất mong manh, vì để tăng độ phê và thu hút khách, có những quán không ngần ngại tẩm thêm những chất gây nghiện, ma túy
TP Quy Nhơn hiện có trên dưới 20 quán có bán shisha từ hạng sang cho đến bình dân, như Royal (đường An Dương Vương), 09 An Dương Vương, Tazo (ngã 6 đường Ngô Mây), Pub style (đường Đô Đốc Bảo), Khói pub (đường Nguyễn Công Trứ), cà phê F3 Shisha (đường Phó Đức Chính)... Giá một bình shisha cũng theo đó dao động từ 100 - 250 ngàn đồng, với nhiều loại hương như bạc hà, ổi, cam, dâu để thu hút khách, chủ yếu là giới trẻ.
Tuy nhiên, đa phần giới trẻ sử dụng shisha như một cách thể hiện đẳng cấp chịu chơi, có tiền chứ không mấy quan tâm đến tác hại thế nào, có chăng họ đều trả lời rằng, cũng giống như hút thuốc lá thôi.
K. (học lớp 12), có vài năm sử dụng shisha và giờ chuyển qua “cỏ Mỹ” (một loại ma túy), cho biết: “Hút một hơi shisha bằng 100 điếu thuốc, vì khói rất nhiều và đậm đặc. Giờ khi đã quen với shisha rồi thì em thường pha thêm cỏ hay cần (cần sa -PV) để hút cho tăng độ phê”.
Cần phổ biến tác hại của shisha
Shisha là một loại thuốc điếu, hút qua ống nước, có xuất xứ từ Trung Đông, Ả Rập (còn được gọi là thuốc lào Ả Rập). Khác với thuốc lào hay thuốc lá, shisha được ướp nhiều loại thảo mộc tạo mùi thơm và được đốt cách nhiệt bằng than và sử dụng thông qua chiếc bình có hình dáng lạ mắt.
Cho đến nay, Nhà nước chưa cấm bán, sử dụng shisha nhưng tác hại của shisha thì được cảnh báo rất nhiều. Bác sĩ CK II Đỗ Phúc Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bình Định, khuyến cáo: “Thành phần của shisha chủ yếu là các hương liệu, cây cỏ, khi hút thời gian kéo dài từ 40 - 60 phút, người sử dụng sẽ phải hít một lượng khói nhiều gấp 100 lần trong một điếu thuốc lá và một lượng lớn nicotine. Trong khói shisha có cacbon monoxit (CO), các kim loại nặng và nhiều chất có thể gây ung thư. Điều này gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới hệ hô hấp và hệ thần kinh của con người. Nó chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm về tim mạch, thần kinh, hô hấp… Thậm chí, hút shisha còn có nguy cơ rất lớn gây ra các căn bệnh về răng miệng, bệnh ung thư phổi, dễ bị biến chứng khi mang thai. Khi hút shisha trong môi trường tập thể dễ dẫn đến các bệnh lây nhiễm qua tuyến nước bọt cao gấp 5 lần so với người không hút”.
Nói về hiện tượng này, một trinh sát tội phạm ma túy, CA TP Quy Nhơn, cảnh báo: “Ranh giới giữa việc hút shisha hay các loại chất kích thích khác với việc nghiện ngập ma túy rất mong manh, vì để tăng độ phê và thu hút khách, có những quán không ngần ngại tẩm thêm những chất gây nghiện, ma túy. Nghiện ma túy cũng rất dễ dẫn đến mua bán ma túy. Vì thế con đường phạm pháp đã manh nha”.
KIỀU ANH
Người chưa đủ 18 tuổi mua, bán, sử dụng thuốc lá có thể bị phạt 200 ngàn đến 300 ngàn đồng, còn người bán sẽ bị phạt tối đa một triệu đồng.
(Theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá)