Từ chuyện… “ném đá”!
Thời gian gần đây, báo chí liên tục thông tin về “vấn nạn” ném đá đối với xe khách xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Trong đó, một số vụ đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, tính mạng của lái xe và hành khách đi xe, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo các cơ quan chức năng, đây là hành vi thiếu ý thức của một bộ phận thanh thiếu niên. Khi bị phát hiện và bắt giữ, các thanh thiếu niên ném đá cho biết họ không hề có tư thù gì với nhà xe, việc ném đá chỉ là hành vi bộc phát “ném cho vui”! Tuy nhiên, các hành vi ném đá là vi phạm pháp luật, mang tính côn đồ và bạo lực. Hậu quả đã xảy ra là một số hành khách và lái xe đã bị thương tật nặng nề, để lại di chứng lâu dài. Vì thế, nếu “trò vui” bệnh hoạn này không sớm được ngăn chặn và chấm dứt thì sẽ tạo nên những tiền lệ rất nguy hiểm cho xã hội.
Tương tự như hành vi ném đá xe khách, tình trạng “ném đá” trên các mạng xã hội cũng là vấn đề không thể không quan tâm. Do đặc tính “mở” của không gian mạng, nhiều người đã tham gia các diễn đàn để đưa ra các ý kiến về mọi vấn đề, người khác một cách vô tội vạ, bất luận đúng sai; thậm chí việc dựng chuyện, bêu xấu lẫn nhau trở thành phổ biến hàng ngày. Với hàng triệu người tham gia, nếu tính về chi phí thời gian thì đây là một hao phí xã hội vô cùng lớn cho những chuyện vô bổ, thậm chí có hại như thế. Mới đây cơ quan chức năng đã bắt một đối tượng có biệt danh “thánh cô cô bóc” đã dùng mạng xã hội để vu cáo, bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm, dọa dẫm… đối với một số người có tiếng tăm trong giới nghệ thuật, giải trí là một ví dụ cụ thể.
Rõ ràng, các hành vi “ném đá” nói trên, kể cả đối với xe khách hay trên mạng xã hội, đã và đang là một “vấn nạn” đối với xã hội. Các đối tượng tham gia “ném đá” phần lớn là những người trẻ ở độ tuổi thanh, thiếu niên thực hiện hành vi nguy hiểm một cách vô ý thức mà không nghĩ đến hậu quả. Từ hành vi đến thói quen là một khoảng cách rất gần. Nếu các hành vi vô cảm trở thành thói quen để rồi định hình thành tính cách của một con người, thì sẽ nguy hiểm cho xã hội biết bao. Có lẽ, điều có thể là xã hội sẽ có một đội ngũ những con người trưởng thành nhưng thiếu ý thức công dân, không tôn trọng và tuân thủ pháp luật.
Vì vậy, việc áp dụng chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những kẻ có hành vi “ném đá” gây hậu quả để răn đe là cần thiết. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp xử lý phần “ngọn”. Cái “gốc” của vấn đề cần phải giải quyết là xây dựng cho được ý thức công dân cho những người trẻ. Mỗi người cần phải được chăm lo giáo dục ngay từ nhỏ để biết yêu thương, biết việc nên hay không nên làm… để khi lớn lên trở thành công dân có ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Đây là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều bước đi, nhiều giai đoạn, có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Chắc rằng, một khi biết hướng đến những việc làm có ích cho cộng đồng, xã hội thì người ta sẽ biết “nói không” một cách có ý thức và đầy trách nhiệm với những trò chơi nguy hiểm như chuyện “ném đá”!
Hải đăng