Chợ cá về đêm
Mờ sáng. Từ Cảng cá Quy Nhơn, hàng trăm chiếc xe máy cũ kỹ chở những người phụ nữ ngồi kẹp giữa giỏ cá nặng trĩu, vùn vụt lao đi, tỏa về các chợ trong tỉnh. Hành trình mưu sinh lúc nửa đêm về sáng của những tiểu thương buôn bán hải sản ở khắp các miền quê này hăng nồng mùi biển dã, tanh nồng vị cá, trộn lẫn giọt mồ hôi.
1 - 2 giờ sáng, khi mọi người còn đang chìm trong giấc ngủ, chợ đầu mối hải sản ở Cảng cá Quy Nhơn bước vào thời điểm hoạt động sầm uất, chộn rộn nhất. Hàng trăm người làm thuê tại Cảng cá bước như lao vào guồng quay của công việc: đưa hải sản từ thuyền lên bờ, mua - bán, phân loại, rửa, ướp, chuyên chở. Không đầy một giờ đồng hồ sau, nơi này tiếp tục đông lên bởi sự xuất hiện của hàng chục chiếc xe máy, xích lô với nhiều giỏ, thau, rổ rá, từ khắp nơi trong tỉnh đổ về để mua bán hải sản. Thật khó có phiên chợ nào lại vừa gấp gáp, khẩn trương, vừa giàu những âm thanh, hình ảnh sống động như chợ cá lúc rạng sáng. Ở đây, sức sống của lao động, kinh doanh như căng tràn ra, có thể sờ thấy được.
Cuộc “đổ bộ” lúc 3 giờ sáng
Hãm phanh, cho chiếc xe Honda 67 vào nhà xe một cách gọn gàng, ông Đỗ Xuân Lại (62 tuổi, ở phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) nhanh tay đưa số giỏ, thau đã được buộc chặt trước đó xuống đất. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Liên (60 tuổi), để nguyên lớp mũ vải và mũ bảo hiểm trên đầu, nhanh nhẹn xách thau, bước lẹ về khu vực bán cá - nơi đông đúc, ồn ào nhất tại thời điểm bấy giờ.
Ông Lại cho biết, vợ chồng ông xuất phát lúc 2 giờ sáng và chừng 1 giờ đồng hồ sau là đến Cảng cá Quy Nhơn. “Nhiều người ở cách xa thành phố hơn 40km như các huyện Vân Canh, Phù Cát, Phù Mỹ..., đều phải khởi hành sớm hơn để đến được chợ lúc 3 giờ sáng và kịp quay về phiên chợ sớm. Mấy ông bạn thường ngưỡng mộ tui cái khoản dậy sớm, chạy xe lúc tờ mờ sáng. Nhưng, nghề nào cũng vậy, riết rồi quen. 22 năm chở vợ đi mua cá, giấc ngủ lúc rạng sáng với tui không còn quan trọng nữa. Ngay cả bây giờ, khi đã bước qua tuổi 60, tui vẫn bật dậy lúc 2 giờ sáng để 15 phút sau là rồ ga, chở vợ đi. Tỉnh không!”, ông Lại tâm sự.
Như lời tỉ tê của ông Lại, những người đến với nghiệp buôn cá đều chấp nhận đổi giấc ngủ để đến được cuộc sống mưu sinh. Đến chợ rồi, những ông chồng có thể thỏa cơn thèm ngủ bằng cách chợp mắt trong lúc đợi vợ đi mua cá; hoặc làm tỉnh người bằng một ly cà phê, tách trà ấm ở hàng quán ngay trong chợ. Nhâm nhi ly cà phê với mấy ông bạn buôn khác, ông Đường Anh Hoa (60 tuổi, ở thôn Tân Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), kể nho nhỏ về công việc của mình: “Ai đâu muốn mất giấc ngủ. Nhưng mỗi người mỗi nghiệp. Tui với vợ đi buôn cá đến nay cũng ngót 35 năm. Trừ những ngày bão, còn lại, cứ đến giờ đó là lên đường, là có mặt tại chợ. Ngay cả đợt lũ lịch sử như tháng 11.2013, vợ chồng tui cũng chỉ ngừng mua bán có mỗi một ngày”.
Chạy đua
Khác với vẻ chậm rãi của những người chồng đợi vợ đi mua cá, tất cả những người còn lại đều đang vội vã và gấp rút. Dưới ánh vàng vọt trong đêm khuya của đèn cao áp, những bước chân dài, thoăn thoắt trên nền ướt nhèm nhẹp như đang chạy đua với thời gian. Đổ dồn vào một góc chợ là âm thanh ồn ã, lao xao của việc trả giá giữa các tiểu thương. Dùng đèn pin soi kỹ mớ cá trong giỏ, những người phụ nữ bắt đầu cuộc trả giá. Xong xuôi, họ vội bưng bê, kéo hoặc mướn người đưa cá về xe mình, rồi lại tiếp tục một cuộc soi, tìm, trả giá với loại cá khác.
3 giờ sáng, cái lành lạnh của khoảnh khắc đầu ngày và từ trận mưa đêm qua do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 (Linfa) trên khu vực Bắc biển Đông dường như không tồn tại ở nơi này. Bao trùm lên chốn đông đúc, tất bật những cuộc bán mua là cái nóng. Dẫu gần đó, chiếc máy xay đá luôn hoạt động hết công suất để phục vụ cho việc ướp cá nhưng mặt ai vẫn toát mồ hôi, lưng áo luôn ướt sũng. Tất cả hối hả để có được số cá tươi sống một cách nhanh nhất nhằm phục vụ cho khách hàng của mình tại các phiên chợ địa phương.
Kéo giỏ sứa nặng 23kg về đến chỗ tập kết, chị Ngô Thị Đức (43 tuổi, ở thôn Mỹ Cang, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) đứng thở dốc. Nhưng chỉ cho phép mình nghỉ được vài phút, chị lại bắt tay vào việc rửa, xếp và ướp cá để cho chồng chất lên xe, chở về. Chị bảo, mấy giỏ cá trước, chị đều thuê người ta đẩy hộ nhưng đến mấy giỏ cuối này, chờ kêu người lâu quá, quay lại gọi chồng thì mất thời gian nên chị tự kéo luôn. Nặng ghê quá nên giờ mỏi rũ cả người.
“Chỉ có khoảng 1 tiếng rưỡi để mua và xử lý 1 tạ cá và phải quay về chợ Phước Sơn trước 5 giờ 30 rưỡi sáng, nên tui phải làm nhanh tay hết cỡ. Mừng là chồng tui rành việc, lại chịu khó giúp vợ sắp xếp, xách nước rửa cá, ướp cá... nên tui đỡ vất vả hơn”, chị Đức tâm sự, mắt ánh lên niềm hạnh phúc không giấu được.
Hơn 4 giờ sáng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Bích Thủy (47 tuổi, ở thôn Tân Quang, xã Canh Hiển, huyện Vân Canh) gần như đã hoàn tất việc ràng buộc các giỏ, thau cá để rời chợ. Chị cho biết, chợ Canh Hiển họp từ lúc 5 giờ sáng nên chị cũng chỉ có 1 giờ đồng hồ để mua cá. 1 giờ đồng hồ chạy đi chạy lại giữa điểm bán cá và nơi để xe; cũng chừng ấy thời gian nhúng tay trong nước đá để xử lý cá, chị Thủy nhiều lúc cũng hụt hơi.
“Gọi là đi chợ, nhưng chẳng thể nhẩn nha, săm soi, lựa chọn thong thả như các bà, các chị đi chợ bình thường. Đây là chợ cá. Mà cá thì phải tươi. Phiên chợ của mình chỉ nhóm lúc rạng sáng và sẽ tàn lúc mặt trời còn chưa lên. Hơn nữa, mình còn phải chạy theo lịch nhóm, họp của một phiên chợ khác lúc bình minh. Nên, hôm nào cũng vậy, vợ chồng tôi đi chợ mà như chạy đua”, chị Thủy giải thích.
Lặn lội
Từ các huyện, thị xã về chợ đầu mối ở Cảng cá Quy Nhơn phần lớn là các cặp vợ chồng. Hành trình lúc trời còn nhá nhem hoặc mặt trời ló rạng đông như góp phần làm cho tình cảm vợ chồng thêm bền chặt, keo sơn.
Nhiều ông chồng khi chứng kiến người vợ tất bật giữa ồn ào, lao xao lại càng thêm hiểu về sự tảo tần, thêm trân trọng người vợ có phần thô kệch của mình. Trong khi đó, thấy chồng mình không ngại khó, ngại khổ giữa chốn chợ búa tanh hôi, nhớp nhúa, các bà vợ thầm cảm phục và yêu thương. Những khoảnh khắc cùng vượt qua nắng mưa, sương gió, hướng về mục tiêu mưu sinh để chăm lo cho con cái đã làm nên gốc rễ bền vững cho gia đình.
“Nhiều ông chồng khi chứng kiến người vợ tất bật giữa ồn ào, lao xao lại càng thêm hiểu về sự tảo tần, thêm trân trọng người vợ có phần thô kệch của mình. Trong khi đó, thấy chồng mình không ngại khó, ngại khổ giữa chốn chợ búa tanh hôi, nhớp nhúa, các bà vợ thầm cảm phục và yêu thương”
Nhưng cũng có những chuyến xe lẻ loi một bóng. Họ là những tiểu thương nhỏ đến từ các chợ ở thành phố. Các bà, các cô lớn tuổi chọn thuê bác xích lô để chở hàng. Các chị trẻ tuổi hơn lại chọn đi xe máy, mỗi ngày đều gồng mình giữa những xô, giỏ, thau nặng trĩu cá.
Chị Phạm Thị Bình (37 tuổi, ở khu vực 6, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) bắt đầu buôn bán cá ở chợ Dinh 3 năm nay. Chồng mất năm 2012 vì tai nạn giao thông, chị một mình nuôi 2 con bằng nghề “ngồi chợ”. Qua rồi những ngày đầu bị hớ khi mua cá, bây giờ chị tự tin trả giá với các chủ nậu cá để mua khoảng 30 - 40 kg cá mỗi ngày.
Đôi mắt trũng sâu, các nếp nhăn xô lại nơi đuôi mắt làm chị Bình cứng cáp hơn so với cái tuổi thật của mình. Chị bảo: “Đôi lúc cũng thấy tủi thân khi một thân một mình bươn chải ở chợ để nuôi con. Sau mỗi chuyến mua bán, người mình tanh nồng mùi cá. Nhưng làm sao khác đi được, tui cũng chẳng cầu mong mình giàu có gì nhưng mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng nuôi con, lo chuyện học hành thì thức khuya dậy sớm, mệt nhọc gì cũng được”.
Vẫn biết việc mưu sinh phần nhiều đều vất vả nhưng ở đây cảm giác căng thẳng, gai góc cứ ở lại trong chúng tôi thật lâu ngay cả khi đã viết xong phóng sự này.
NGUYỄN MUỘI - TRỌNG LỢI