Vài ý nghĩ từ Đại hội IX Hội Nhà văn Việt Nam
Đại hội lần thứ IX Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra từ ngày 9-11.7 tại Hà Nội. Là đại biểu Bình Định tham dự Đại hội, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng có những suy nghĩ về Đại hội lần này.
Nhu cầu gặp gỡ bạn bè văn chương dường như là một nội dung quan trọng trong ý thức của rất nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình, dịch giả… trong các hội nghị hội thảo văn chương chứ không riêng gì ở Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX tại Hà Nội lần này. Với tôi, có lẽ điều đó còn cần thiết hơn những tham luận vì tham luận nằm trong kỷ yếu, có thể đọc về sau, nhưng những con người cụ thể từng chia sẻ qua điện thoại, email hoặc lặng lẽ ngắm nhau qua các tác phẩm in trên sách, báo, có người 5 năm mới gặp lại, có người thì tự nhận tuổi đã cao chưa nói trước được điều gì, thì việc chia sẻ luôn luôn là đòi hỏi cấp thiết.
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng (thứ 2, từ trái qua) và các đại biểu dự Đại hội lần thứ IX Hội Nhà văn Việt Nam.
Đã ở trong tổ chức Hội Nhà văn, được dự các đại hội đã bốn kỳ từ lần thứ VI đến nay, lần này tôi kỳ vọng nhất mấy điều:
Một là vấn đề trẻ hóa đội ngũ. Thử nhìn lại trong đại biểu của đại hội và nhìn ra cả Hội, thì đủ biết độ “lão hóa” của Hội đến ngần nào.
Điều thứ hai, công cuộc đổi mới văn chương. Mỗi thời đại, mỗi thế hệ có diễn ngôn của mình, điều ấy tự mỗi tài năng đều nhận biết và hoạch định, nhưng tạo những diễn đàn thật nghiêm túc và hiệu quả cho công cuộc này, từ thực tiễn bước vào lý luận và từ lý luận thành thực tiễn, thật không giản đơn.
Điều thứ ba, vấn đề văn chương và đời sống, tác giả với sứ mệnh xã hội của mình, không phải đời sống nói theo kiểu chung chung mà là các vấn đề nóng bỏng của hiện thực hôm nay, việc kịp thời trình bày những câu chữ có chất lượng trước những vấn đề lớn đang là nỗi bức xúc của nhân dân, đất nước.
Điều thứ tư, cơ chế hội phải thích ứng với việc vun bồi tài năng. Dẫu biết rằng, tạo một môi trường vắng bóng những đố kỵ, ganh ghét là không tưởng nhưng Hội có thể không để cho nó di căn và biến thành hành động tổn thương bởi xúc phạm, vùi dập.
Chúng ta hãy nhìn không cũ về những vấn đề không mới. Thực ra, nếu đã là tài năng thì tài năng ấy tự tìm được sự thích ứng cũng như vượt thoát mọi trở lực. Chỉ có điều, cái giá của nó cũng không phải là nhỏ và vấn đề ấy đặt ra trở thành vấn đề to lớn trong phạm vi thời đại. Tuy nhiên, ở đây nói đến Hội, vậy thì sự tồn tại có ích lợi của hội được bao cấp bằng những đồng tiền ngân sách sẽ có ý nghĩa khi giải mã và hoạt động có hiệu quả trong việc bảo vệ và tôn vinh các giá trị ở lĩnh vực văn chương.
Như trên tôi đã nói, tất nhiên, gặp gỡ để chia sẻ và chia sẻ để ý thức hơn về nghiệp viết, cái nghiệp hay có người gọi to tát là sứ mệnh, thiên chức gì gì đó, nó đóng đinh mình trên cây thập tự giá của đời sống ố ái hỉ nộ này. Có thể sau đó trở về, ngồi cô đơn dưới ngọn đèn bên bàn viết, những tình cảm bạn bè bốn phương giúp ta tự tin hơn, biết phỉ nhổ vào các ngòi bút khom lưng uốn gối trước bạo quyền và kim ngân, biết dứt khoát chia tay với đám đông bè phái huênh hoang vô bổ, biết tỏ thái độ trước những mưu mô đê tiện thảng hoặc xảy ra ở chốn văn trường, để ngày đêm trằn trọc với từng con chữ có nước mắt, mồ hôi và cả máu mình trong đó, tìm về những trái tim chân thành của độc giả. Nhà văn cần đủ cô đơn cho sáng tạo, và những con chữ trong tác phẩm của nhà văn mới không thiếu nồng độ của ký thác và sẻ chia với công chúng và thời gian.
Vấn đề trọng đại nhất của nhà văn là ở tác phẩm chứ không phải các thứ phẩm trật chức vụ đeo quanh nó. Ở Đại hội này tôi và bạn bè rất vui mừng vì gần 500 đại biểu đã bầu chọn được một ban chấp hành tinh gọn, đa số là “tinh hoa đất Việt”. Các đại hội cơ sở giới thiệu tới 404 người, đại hội này đưa ra danh sách vừa gút lại của đại hội cơ sở, vừa ứng cử và đề cử thêm, chốt lại con số 38 để bầu lấy 15, kết quả có 6 nhà văn quá bán số phiếu được trúng cử. Chủ tịch đoàn hỏi có bầu tiếp không, một rừng cánh tay đưa lên, một tiếng nói chung “Thôi, đủ rồi!”.
NGUYỄN THANH MỪNG