Xử trí đúng cách khi bị đứt chi
Mới đây, các bác sĩ BVĐK tỉnh đã thực hiện thành công ca nối bàn tay trái do lưỡi cưa cắt đứt lìa cho bệnh nhân Nguyễn Danh (18 tuổi, ở xã Canh Vinh, huyện Vân Canh). Theo Trưởng khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng Nguyễn Quang Vinh, ngoài chuyên môn của các bác sĩ, nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành công của ca phẫu thuật là cách xử trí ban đầu. Vậy, xử trí như thế nào là đúng cách khi bị đứt chi?
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Vinh, khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng như đứt tay, chân, nạn nhân thường hốt hoảng, mất bình tĩnh, nhiều trường hợp còn bị choáng. Do đó, sự trợ giúp kịp thời, đúng cách của người khác là rất quan trọng.
Bác sĩ Nguyễn Quang Vinh kiểm tra chức năng bàn tay trái của bệnh nhân Nguyễn Danh.
● Cụ thể, cần phải làm gì khi xảy ra tai nạn đứt chi, thưa bác sĩ?
- Đầu tiên phải tìm cách cầm máu tại chỗ, thông thường dùng garô - phương pháp cầm máu tạm thời bằng dây cao su hoặc dây vải xoắn chặt vào đoạn chi, nhằm làm ngừng lưu thông máu từ phía trên xuống phía dưới của chi. Nếu chưa có phương tiện cấp cứu ngay thì nên cho nạn nhân nằm nghỉ, ủ ấm. Các tai nạn lao động thường xảy ra lúc cuối ngày khi người lao động mệt mỏi, ít tập trung, dễ gây choáng váng, hạ đường huyết, nên cần cho nạn nhân uống một ít nước đường.
Sau đó, quan sát kỹ phần chi bị đứt, nếu có dính nhiều dị vật (như đất, cát…) thì dùng nước hoặc vải sạch để rửa, chùi, cố gắng loại trừ dị vật, nhất là tại phần mặt cắt. Tiếp theo, bỏ phần chi bị đứt vào 2-3 lớp nhựa nilon (ít nhất là 2 lớp, đề phòng trường hợp bị thủng), đặt tất cả vào thùng đá lạnh, không nên dùng nước lẫn đá. Đá xay càng nhỏ càng tốt để tăng diện tích tiếp xúc với túi đựng phần chi bị đứt, nâng hiệu quả bảo quản.
Xử lý ban đầu xong thì đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất càng nhanh càng tốt để người có chuyên môn thực hiện sơ cứu trước khi chuyển lên tuyến trên.
● Với những bệnh nhân bị đứt chi, quá trình vận chuyển thường phức tạp, dễ xảy ra những tai biến khó lường. Ngay cả các nhân viên y tế tuyến dưới cũng cần hết sức cẩn trọng trong khoảng thời gian quan trọng này…
- Đúng là như thế. Suốt quá trình vận chuyển nạn nhân đứt chi, nhân viên y tế phải quán xuyến tình hình, chú ý theo dõi toàn trạng người bệnh. Đã có trường hợp chỉ chú ý bộ phận bị đứt lìa, mà bỏ qua những tổn thương nghiêm trọng khác như chấn thương sọ não ở bệnh nhân bị đa chấn thương. Cần đảm bảo người bệnh tỉnh táo, tri giác tốt trong quá trình vận chuyển.
Bàn tay sau nối của bệnh nhân Nguyễn Danh đã hồi phục tốt.
Một điểm cần chú ý là theo dõi sát sao phần da dưới garô, nếu thấy có chuyển màu thì cần can thiệp. Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Danh, do Canh Vinh nằm khá gần Quy Nhơn, nên việc vận chuyển nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu tai nạn xảy ra ở xa, như Hoài Nhơn, An Lão… cứ 30 phút cần nới garô một lần để tránh nghẽn mạch vùng đứt chi.
● Sau khi được phẫu thuật nối phần tay, chân bị đứt, việc phục hồi chức năng phụ thuộc khá nhiều vào quá trình tập luyện của bệnh nhân. Xin bác sĩ cho biết việc tập luyện phục hồi chức năng cần đảm bảo những yêu cầu gì?
- Sau thời gian tập thụ động có sự giúp đỡ của nhân viên y tế, người bệnh phải tự tập luyện, dùng tay khỏe tập cho tay đau. Nguyên tắc đặt ra trong quá trình tập luyện là không gây đau, cường độ tập bắt đầu từ mức thấp nhất.
Sau phẫu thuật, các nhóm cơ được tưới máu nhưng vẫn cần thời gian để thích nghi. Do đó, phải chia nhỏ thời gian tập luyện và tăng dần một cách hợp lý. Chẳng hạn, trong tuần đầu sau mổ mỗi ngày chỉ tập cử động 5 phút. Tuần sau đó tăng lên 15 phút/ngày.
Cuối cùng, nhất thiết phải tập thường xuyên và đều đặn, không được bỏ tập giữa chừng, bởi các mạch máu ở mặt cắt sau nối vẫn có khả năng bị dính trở lại, ngăn cản máu lưu thông.
● Xin cảm ơn bác sĩ.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)