Phù điêu nữ thần Mahisha Mardini và phù điêu rắn Naga: Đề cử bảo vật quốc gia
Ngày 14.7, Hội đồng thẩm định của Sở VH-TT&DL đã tiến hành xét chọn và thống nhất đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đối với phù điêu nữ thần Mahisha Mardini và phù điêu rắn Naga. Đây là những hiện vật độc bản, có giá trị đặc biệt đang trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Phù điêu nữ thần Mashisa Mardini độc đáo nhất trong nghệ thuật điêu khắc cổ Chămpa.
Hiện vật có giá trị đặc biệt
Phù điêu nữ thần Mahisha Mardini được người dân tìm thấy tại gò Núi Cấm ở thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, đã đem giao nộp cho nhà nước. Phù điêu được làm bằng chất liệu đá sa thạch, có chiều cao 1,2m, chiều rộng đế 1,1m, dày 9cm (nơi dày nhất 13cm). Phù điêu thể hiện nữ thần Mahisha Mardini mười tay, trong đó hai tay chính và tám tay phụ, trên mỗi tay cầm một vật tế khí… có thể xem như độc bản trong phong cách điêu khắc Chăm thế kỷ XII. Năm 2003, phù điêu nữ thần Mahisha Mardini (Bình Định) được Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật Viên (Áo) và Bảo tàng Hoàng gia về nghệ thuật và Lịch sử Bruxelles (Bỉ) mượn đưa đi trưng bày với chủ đề “Việt Nam: Quá khứ và Hiện tại”. Khi ấy, hiện vật này được mua bảo hiểm lên đến 200.000 USD.
Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: “Tất cả các bức phù điêu Mahisha Mardini được tìm thấy ở Quảng Nam, về quy cách đều nhỏ trong tình trạng chưa hoàn chỉnh, nét chạm thô cứng. Bức phù điêu Mahisha Mardini ở Bình Định được tạc sắc sảo, về hình thể khá hoàn chỉnh, nhất là các tay từ chính đến phụ đều có sự kết nối trong các động tác múa của thần, kết hợp với chân nhún nhảy uyển chuyển theo điệu nhạc… nên từ xa ngắm bức tượng thần thật sống động. Trong khi tượng Mahisha Mardini tìm thấy ở Chiên Đàn Quảng Nam đứng trên bò Nandin, thì tượng nữ thần Bình Định lại được tạc đứng nhảy múa trên lưng thủy quái Makara như hòa quyện với nhau làm một. Đây là hình thức thể hiện được xem là độc đáo nhất trong nghệ thuật điêu khắc cổ Chămpa. Vì vậy, giới nghiên cứu Chămpa học đánh giá phù điêu nữ thần Mahisha Mardini ở Bình Định là đẹp nhất trong những bức tượng tìm thấy ở nhiều địa phương trong nước cho đến nay”.
Phù điêu rắn Naga được phát hiện trong đợt khai quật tại tháp Dương Long (xã Tây Bình, huyện Tây Sơn) là một khối đá gần vuông nguyên vẹn, có kích thước cao 135cm , rộng 133cm, dày 52cm. Hình tượng điêu khắc được thể hiện dưới dạng phù điêu chạm nổi hiện chỉ là một phần đầu Makara đang trong tư thế từ trên trườn xuống, miệng Makara há rộng để lộ răng nanh và hàm răng sắc nhọn, từ trong cửa miệng sinh ra rắn Naga 3 đầu… “Trong điêu khắc tháp Chăm Bình Bịnh cũng đã có hẳn một phong cách riêng biệt đó là phong cách Tháp Mẫm. Giai đoạn điêu khắc mang phong cách Tháp Mẫm, ngoài các vị thần mang yếu tố Chăm truyền thống, thì người Chăm đã sáng tạo ra những con vật huyền thoại được thể hiện đẹp nhất và thành công nhất trong những điêu khắc của họ. Ngoài những tượng tròn, phù điêu chúng ta đã bắt gặp, chưa thấy bức phù điêu nào lớn và hoành tráng như bức phù điêu Naga tìm thấy ở tháp Dương Long. Đây là tác phẩm có một không hai trong điêu khắc Champa”, Tiến sĩ Đinh Bá Hòa nhận định.
Phù điêu rắn Naga trưng bày ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Tôn vinh bảo vật quốc gia
Theo Luật Di sản văn hóa, các hiện vật muốn công nhận là bảo vật quốc gia phải đáp ứng yêu cầu: “Là hiện vật nguyên bản, là tiêu bản duy nhất thuộc một hoặc nhiều tiêu chí về hình dáng, kích thước, chất liệu, hoa văn trang trí, kỹ thuật chế tác, phương thức sử dụng, nội dung; là hiện vật có hình thức độc đáo, đặc biệt, khác lạ so với những tiêu bản khác…”. Sau khi nghiên cứu các tiêu chí và quy định đối với hiện vật được đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, đồng thời thực hiện theo Thông tư số 13/2010 của Bộ VH-TT&DL quy định trình tự, thủ tục đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã đề nghị Sở VH-TT&DL xem xét trình UBND tỉnh có công văn gửi cho Bộ VH-TT&DL trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia cho hiện vật phù điêu nữ thần Mahisha Mardini và phù điêu rắn Naga.
Từ sự đồng thuận đánh giá cao của Hội đồng thẩm định, Sở VH-TT&DL sẽ tiến hành các bước thủ tục tiếp theo quy định. Để được công nhận là bảo vật quốc gia, hai hiện vật điêu khắc Chămpa của tỉnh Bình Định còn phải trải qua sự xem xét của Hội đồng thẩm định của Bộ VH-TT&DL, nếu đạt yêu cầu sẽ tiếp tục được Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định. Tiến sĩ Đinh Bá Hòa cho biết: “Những giá trị độc đáo của phù điêu nữ thần Mahisha Mardini và phù điêu rắn Naga đã được nhiều nhà nghiên cứu khắp nơi đánh giá cao, nên hoàn toàn có cơ sở khoa học để hướng đến việc được vinh danh là bảo vật quốc gia. Nếu được công nhận, các hiện vật này sẽ góp phần nâng cao giá trị và tạo sức hút nhiều người hơn đến thăm quan Bảo tàng Tổng hợp tỉnh”.
HOÀI THU