Khu di tích thành Cổ Loa: Công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn tương lai
Thành Cổ Loa, kinh đô nước Âu Lạc dưới triều đại An Dương Vương là địa bàn hiện còn lưu giữ được khá đầy đủ dấu tích và là tòa thành có tính sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc chống ngoại xâm. Chính vì vậy, việc Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa trong đầu tháng 7 này có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần định hướng đưa địa danh này trở thành công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn của Thủ đô.
Trân trọng và gìn giữ di sản quý báu
Với bề dày lịch sử, khu di tích thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) được các nhà khoa học đánh giá là "khu vực đa dạng, đặc sắc với ba hệ giá trị lịch sử - nhân văn - sinh thái đã hòa quyện vào nhau thành một phức hợp thể cộng sinh độc đáo, tồn tại ở các quy mô khác nhau, từ tổng thể đến từng cụm hoặc di tích đơn lẻ, trong môi trường cảnh quan và kiến trúc nông thôn thuần phác".
Khu di tích thành Cổ Loa. Ảnh: Nam Khánh
Đây là địa bàn cư trú cổ đã phát lộ và còn tiềm ẩn nhiều dấu tích quan trọng từ thời tiền sử, trong đó nhiều di tích đã mất và chỉ có thể được lần tìm thông qua khảo cổ học lâu dài. Hệ thống thành, hào qua hơn 2.000 năm đã bị thiên nhiên và con người làm lẫn mờ dấu tích. Nhưng các nhà khoa học cũng đã thống kê được 60 hạng mục còn sót lại, bao gồm di chỉ khảo cổ học, di tích thành hào Cổ Loa, di tích tưởng niệm thời kỳ An Dương Vương, các công trình tín ngưỡng dân gian có ý nghĩa lịch sử văn hóa (đã hoặc chưa được xếp hạng di tích), khu vực cảnh quan có ý nghĩa lịch sử văn hóa, di tích cách mạng. Trong đó nổi bật và lâu đời nhất là 3 vòng thành Cổ Loa và các công trình di tích ghi dấu thời kỳ An Dương Vương.
Điều vô cùng đáng trân trọng nữa, đó là cộng đồng dân cư sinh sống tại Cổ Loa suốt bao đời nay đã góp phần chăm nom gìn giữ khối di sản vật thể và phi vật thể của tòa thành xưa. Hệ thống công trình tôn giáo tín ngưỡng, tuy được xây dựng muộn hơn rất nhiều so với hệ thống di tích thành hào, nhưng đây là nơi tập trung nhiều hoạt động văn hóa dân gian duy trì ký ức dân tộc về những thời kỳ vẻ vang xưa của An Dương Vương, Ngô Quyền... Các thôn xóm trong địa bàn vẫn lưu giữ cấu trúc không gian cư trú nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ đặc sắc. Đời sống tinh thần của cư dân Cổ Loa rất phong phú, với nhiều tập tục mang đậm sắc thái vùng miền, như tục kết chiềng, kết chạ, tục ăn sêu Bà Chúa vào ngày 13 tháng Tám (âm lịch), tục khất keo làm cụ Từ, tục kiêng tên húy, tục kiêng nuôi gà, ngan, ngỗng trắng, tục đãi dâu, không đãi rể. Lễ hội Cổ Loa được tổ chức tại Đền Thượng vào ngày 6 tháng Giêng hằng năm (tương truyền là ngày Thục Phán lên ngôi vua, lấy hiệu là An Dương Vương)… Bên cạnh đó, môi trường sinh thái nông nghiệp bao bọc thành Cổ Loa là không gian xanh lớn, có thể đầu tư dịch vụ nghỉ ngơi, tham quan, giải trí cho cư dân thành phố - điều rất cần thiết trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay.
Thực hiện những giải pháp đồng bộ
Với quy mô quy hoạch khoảng 860,4ha, Chính phủ xác định rõ mục tiêu bảo tồn, tôn tạo, hướng tới xây dựng và tôn vinh khu di tích thành Cổ Loa trở thành công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn của Hà Nội. Với định hướng ấy, đây sẽ là không gian quan trọng kết nối các tuyến du lịch văn hóa lớn của Thủ đô, như tuyến cảnh quan văn hóa Sông Hồng - Hồ Tây - Ba Vì; tuyến không gian bảo tồn hệ thống di tích Đền Hùng - Mê Linh - Cổ Loa - Hoàng thành Thăng Long - Sơn Tây - thành cổ Luy Lâu.
Theo quy hoạch, khái toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích được xác định vào khoảng 7.400 tỷ đồng. Chính phủ khuyến khích các nguồn vốn xã hội hóa, vốn doanh nghiệp và nguồn vốn khác thực hiện các chương trình bảo tồn và khai thác giá trị môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên gắn liền với khu di tích...
Rất nhiều giải pháp quy hoạch được đưa ra nhằm bảo tồn, tôn tạo khu di tích. Thứ nhất là bảo tồn và khai thác không gian lịch sử theo quan điểm xây dựng chiến lược khảo cổ học dài hạn, hình thành hệ thống các công viên di sản để mở rộng dần không gian khảo cổ học. Thứ hai là giải pháp bảo tồn và phát triển không gian nhân văn, gìn giữ cấu trúc định cư truyền thống, ổn định, chỉnh trang và nâng cao chất lượng sống trong các khu dân cư hiện hữu. Thứ ba là giải pháp bảo tồn và phát triển không gian sinh thái với mục tiêu khai thông hệ thống mặt nước với Sông Thiếp, sông Hoàng Giang phục vụ tưới tiêu nông nghiệp và du lịch; phục dựng toàn bộ hệ thống Hào Thành, Đầm Cả, Vườn Thuyền Ao Mắm làm tuyến đường thủy tham quan khu di tích…
Sẽ có nhiều thách thức trong quá trình thực hiện quy hoạch, ví như không dễ để khống chế quy mô dân số ở mức 15.500 người, mật độ dân số trung bình khoảng 145 đến 155 người/ha đất ở, kiểm soát tầng cao xây dựng công trình và chiều sâu móng để bảo tồn khu di tích gồm toàn bộ di sản vật thể trên mặt đất và tiềm năng phát lộ di sản dưới lòng đất. Bên cạnh đó là giải quyết hài hòa nhiệm vụ giãn dân, tái định cư, di chuyển các hộ lấn chiếm ra khỏi ranh giới bảo vệ di sản vật thể… Nhưng với "sợi chỉ đỏ" là quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 do Chính phủ phê duyệt, trong thời gian tới, nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa sẽ được thực hiện nghiêm túc.
Theo Mai Hoa (HNM)