Nạn đục phá kênh; tháo gỡ cửa đóng, mở nước ở xã Cát Sơn, huyện Phù Cát: Cần ngăn chặn, xử lý kịp thời
Thay vì tuân thủ theo đúng quy trình tháo, xả nước từ đơn vị vận hành hồ chứa nước Hội Sơn; nhiều hộ dân ở xã Cát Sơn (huyện Phù Cát) đã ngang nhiên đục khoét các tuyến kênh bê tông; tháo gỡ, đập phá cửa đóng, mở nước của hồ Hội Sơn để lấy nước tưới, sử dụng vào nhiều mục đích khác. Ðiều đáng nói, việc xử lý các hành vi phá hoại này của cơ quan chức năng hiện gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổ trưởng Tổ đầu mối hồ chứa nước Hội Sơn, đóng trên địa bàn xã Cát Sơn, ngoài việc quản lý hồ Hội Sơn, tổ đầu mối còn đảm trách dẫn nước tưới phục vụ cho việc canh tác của hơn 170 ha đất sản xuất nông nghiệp nằm ở thôn Hội Sơn; đồng thời, tiếp nước cho hồ Thạch Bàn, xã Cát Sơn để tưới cho nhiều diện tích đất sản xuất lúa nằm ở cuối nguồn. Thế nhưng, nhiệm vụ tiếp, dẫn nước trở nên “bất khả thi” vì 2 tuyến kênh NC và NC1 bị người dân đục thủng quá nhiều lỗ, khiến lượng nước ở đầu kênh thất thoát quá lớn nên không thể dẫn nước đến đích.
Kênh thủng trăm lỗ, thiết bị bị đập phá
Theo chân ông Trần Nghệ, cán bộ Tổ đầu mối hồ chứa nước Hội Sơn, PV Báo Bình Định đã đi dọc trên 2 tuyến kênh NC và NC1, thấy tận mắt những lỗ đục lấy nước trái phép, nhẩm tính chưa đầy đủ đã đếm được 140 lỗ như vậy. Trong đó, tuyến kênh NC dài 5,8 km có 80 lỗ bị đục; tuyến kênh NC1 dài 4,6 km có 60 lỗ bị khoét thủng; mỗi lỗ có đường kính từ 10 - 25 cm. Hầu hết, các lỗ bị đục để lấy nước đều được người dân xả thẳng ra ruộng; có lỗ đục xong gắn ống vào để dẫn nước tưới những đám ruộng xa. Thậm chí, có lỗ bị đục rộng đến 25 cm, người dân đưa qua đường ống lớn chôn ngầm dưới đất đưa nước về nhà phục vụ cho nghề nuôi vịt và tắm cho gia súc.
Đáng ngại hơn cả, tuyến kênh NC có nhiệm vụ dẫn nước về hồ Thạch Bàn để cung ứng nước tưới cho 44 ha lúa và hoa màu trong vùng, hiện rơi vào tình trạng trơ đáy. Hệ quả, hiện chỉ có 13 ha/44 ha đất sản xuất lúa có được nước, còn lại đều rơi vào cảnh khô khốc. “Nắng hạn khiến mực nước trong hồ xuống thấp, lưu lượng dòng chảy bị hạn chế một phần; song, mấu chốt vấn đề là tuyến kênh NC bị đục quá nhiều lỗ khiến nước bị thất thoát lớn nên không chảy đến hồ Thạch Bàn”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
Còn ông Nguyễn Bá Quyền, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi 2 (thuộc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định), chỉ rõ: “Hai tuyến kênh NC và NC1 của hồ Hội Sơn hiện được xả với lưu lượng tại đầu kênh là 500 lít nước/giây. Thế nhưng, mới chỉ đến cụm điều tiết kênh NC chừng 2 km, nước chỉ còn 160 lít/giây; đến cụm điều tiết kênh NC1 thì nước yếu hẳn. Rõ ràng, việc tuyến kênh bị đục thủng khá nhiều lỗ, khiến lượng nước thất thoát quá lớn”.
Còn riêng những máy đóng, mở nước thuộc hệ thống kênh tưới hồ Hội Sơn bị người dân địa phương đập phá, gây hư hỏng, ông Nguyễn Văn Tuấn, tỏ ra bức xúc: “Ở các cụm điều tiết nước tưới, chúng tôi đều bố trí các máy đóng, mở nước; thế nhưng, thời gian qua cũng bị một số đối tượng lén lút tháo gỡ bán phế liệu và đập phá để lấy nước. Thậm chí, có thời điểm đi kiểm tra, chúng tôi bắt gặp có người đang “ăn cắp” nước, tổ công tác ngăn cản thì lập tức bị hăm dọa, thậm chí, hành hung. Đối với các trường hợp này, chúng tôi đều lập biên bản gửi lên UBND xã Cát Sơn đề nghị chính quyền địa phương xử lý, nhưng chưa được giải quyết”.
Cần ngăn chặn, xử lý kịp thời
Theo đơn vị quản lý hồ chứa Hội Sơn, thì: Ở những nơi được “gắn” máy đóng, mở nước bị phá hỏng, nếu không có giải pháp khắc phục, nước ở khu vực này thoải mái chảy; lâu ngày, nước sẽ thấm lậu vào bờ đất có thể dẫn đến làm sập bờ kênh nổi. Riêng ở những vị trí bị đục thủng, trường hợp không được bịt lại, vào mùa mưa lũ, nước tràn xuống kênh, chảy qua những lỗ thủng, gây xói lở bờ đất, chuyện cả tuyến kênh bị nước lũ cuốn đi là điều khó tránh khỏi.
Về vấn đề này, ông Võ Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Cát Sơn, bày tỏ: “Hạn hán quá khốc liệt, khiến cho lúa và hoa màu chết héo nên nguồn nước trở nên bức bách khiến nhiều hộ dân làm liều. Địa phương đã nhiều lần phối hợp với đơn vị quản lý kiểm tra, nhưng thú thật việc xử lý quá khó khăn!”.
Để hạn chế tình trạng này, thời gian tới, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ tài sản nhà nước; trường hợp cố tình vi phạm, xã kiến nghị các ngành, các cấp có liên quan xử lý nghiêm theo pháp luật về bảo vệ đê điều.
Đề cập về giải pháp xử lý sắp tới, ông Nguyễn Bá Quyền, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi 2 (thuộc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định), cho hay: “Trước mắt, chúng tôi đã làm việc với UBND huyện Phù Cát và thống nhất giao cho HTX Nông nghiệp và UBND xã Cát Sơn phải kiên quyết lấp các lỗ bị đục trên thành kênh; kiên quyết xử lý người dân tự ý đục phá kênh. Đồng thời, khẩn trương thành lập đội thủy nông dẫn nước vào ruộng, không để dân tự ý lấy nước bừa bãi và phân lịch tưới cho từng tuyến kênh, mới còn nước để cứu hạn vụ Hè Thu này”.
TRỌNG LỢI