Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XIII – 2015:
Giới thiệu văn hóa, sinh hoạt đặc trưng các dân tộc
Diễn ra từ ngày 21 - 23.7 tới tại huyện An Lão, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XIII - 2015 hứa hẹn có các hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, mang nét đẹp truyền thống đặc sắc của mỗi dân tộc.
Hội vui với những cuộc thi
Theo định hướng của Ban Tổ chức, ở phần thi trại đẹp, các đoàn phải dựng trại thể hiện được nét đặc trưng của dân tộc, có hình thức sinh động qua việc triển lãm tranh, ảnh, trưng bày các sản phẩm, nhạc cụ, dụng cụ lao động, vật dụng trong nhà. Trong phần Liên hoan văn nghệ quần chúng, chương trình tham gia được khuyến khích dàn dựng phong phú các thể loại dân ca, dân vũ, hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc với nội dung nêu cao tinh thần yêu nước và tình đoàn kết gắn bó bền vững giữa các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam; giới thiệu về những nét đẹp văn hóa truyền thống ở các địa phương. Phần thi người đẹp, các thí sinh sẽ trải qua các vòng thi trình diễn trang phục truyền thống, trang phục cách tân, thể hiện năng khiếu văn hóa, thể thao.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng Nghệ thuật quần chúng của Trung tâm Văn hóa tỉnh, cho biết: “Ngày hội năm nay sẽ tiếp tục có phần giao lưu giới thiệu về lễ hội dân gian ở các địa phương. Tuy nhiên, Ban tổ chức đã yêu cầu các đoàn sẽ chọn lọc giới thiệu một cách khái quát, có lời dẫn và cảnh diễn ngắn gọn, súc tích hơn về trình tự một nghi thức lễ gắn với tín ngưỡng dân gian. Ngày hội cũng có nội dung mới là mỗi đoàn sẽ cử một học sinh là người dân tộc thiểu số tham gia thi kể các câu chuyện về tình thương yêu và sự quan tâm của Bác Hồ đối với con em đồng bào dân tộc miền núi; những gương điển hình người tốt, việc tốt...”.
Từ sự đề nghị phối hợp tuyên truyền của Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Định, Ban tổ chức Ngày hội đã yêu cầu các đoàn có thể lựa chọn tham gia phần thi tiểu phẩm với chủ đề “Bảo vệ môi trường”, hoặc trình diễn thời trang với chủ đề “Hãy chung tay bảo vệ môi trường sống của chúng ta”. Nội dung văn hóa sẽ thêm phần sinh động với các trò chơi dân gian như bịt mắt chế biến cơm lam, thi giã gạo, dệt vải, đan giỏ… Hoạt động thể thao sẽ tạo nên sự sôi động, hấp dẫn cho Ngày hội với thi bắn nỏ, phóng lao, đẩy gậy, bóng chuyền, bóng đá, chạy vượt đồi dốc, kéo co.
Chuẩn bị chu đáo
Sở VH-TT&DL đã có nhiều cuộc họp bàn với UBND huyện An Lão và các sở, ngành, địa phương liên quan để triển khai các bước chuẩn bị. Được sự chỉ đạo của Sở VH-TT&DL, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã huy động nhân lực ở tất cả các phòng chuyên môn để phân công nhiệm vụ cụ thể.
Ông Mai Ngọc Thinh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa tỉnh, cho biết: “Hiện các khâu trong công tác tổ chức mà Trung tâm được giao như xây dựng kịch bản, chương trình, tuyên truyền trực quan, chuẩn bị về sân khấu, âm thanh, ánh sáng, hậu cần… đã sẵn sàng phục vụ cho Ngày hội”. UBND huyện An Lão cũng đã chỉ đạo Phòng VH-TT, Trung tâm VH-TT&TT huyện và các ngành, đoàn thể phối hợp giúp Ban tổ chức Ngày hội tạo điều kiện về sân bãi, điều kiện thi đấu, an ninh trật tự ở sân khấu chính và nơi diễn ra các hoạt động thi đấu thể thao.
Nhằm tạo được ấn tượng đẹp trong Ngày hội, 6 huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Cát, Vân Canh cũng đã tuyển chọn lực lượng nghệ nhân, diễn viên, VĐV tiêu biểu ở các xã để triển khai tập luyện. Ông Hồ Việt Quốc, cán bộ phụ trách hoạt động văn hóa văn nghệ của Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Ân, cho biết: “Sau khi Lễ hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc 3 xã vùng cao huyện Hoài Ân lần thứ X được tổ chức cách đây 3 tháng, chúng tôi đã tuyển chọn được các tiết mục, hạt nhân tiêu biểu để xây dựng chương trình tham gia Ngày hội cấp tỉnh. Nhiều ngày qua, các cán bộ của Trung tâm đã thường xuyên đi đến các làng dân tộc ở Đắk Mang, Bok Tới, Ân Sơn để hướng dẫn và động viên đồng bào tích cực tập luyện…”.
HOÀI THU