Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh:
Bảo vệ ngư dân đánh cá hợp pháp bằng tất cả biện pháp hòa bình
Trao đổi với báo chí bên lề QH chiều 29.5, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, việc tàu Trung Quốc cản trở ngư dân Việt Nam đánh cá vừa qua là vi phạm nghiêm trọng và chúng ta sẽ đấu tranh bảo vệ ngư dân đánh cá hợp pháp trên những vùng biển của Việt Nam bằng tất cả các biện pháp hòa bình.
Sau sự việc va chạm trên Biển Đông vừa qua giữa tàu cá Việt Nam và tàu Trung Quốc, Bộ Ngoại giao đã ra công hàm phản đối, song phía Trung Quốc cũng có những luận điệu phản bác. Vậy, tiếp theo ta sẽ có những động thái ngoại giao gì để giải quyết sự việc này?
Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh ngoại giao. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nêu rất rõ vùng đánh cá đó là vùng biển của Việt Nam, việc tàu Trung Quốc cản trở việc đánh cá của ngư dân ta là vi phạm các nguyên tắc.
Từ sau khi Việt Nam thông qua Luật Biển, các va chạm trên biển với Trung Quốc ngày càng nhiều, nghiêm trọng, trong khi cách phản ứng của ta vẫn còn hạn chế?
Nguyên tắc của chúng ta là bảo vệ ngư dân và những hành vi cản trở ngư dân của tàu Trung Quốc như vậy là rất nghiêm trọng. Khi sự việc xảy ra thì ta phản đối. Còn trên ngư trường, nếu có những vi phạm vào vùng biển của ta thì các lực lượng chức năng sẽ có trách nhiệm bảo vệ.
Báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu QH thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế- xã hội đã đề cập rõ tình hình Biển Đông, trong đó có một số ý kiến yêu cầu Chính phủ có thái độ quyết đoán hơn. Ông có chia sẻ với các đại biểu?
Chúng ta đã thông qua Luật Biển năm 2012 và đang tiếp tục thực thi Luật Biển. Đối với các tranh chấp trên Biển Đông thì lập trường của Chính phủ rất rõ ràng là giải quyết thông qua hòa bình, đối thoại, tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đó là các chính sách ngoại giao. Ngư dân có quyền đánh cá trên các vùng biển của Việt Nam. Chúng ta tiếp tục bảo vệ ngư dân đánh cá một cách hợp pháp bằng tất cả các biện pháp.
Có ý kiến cho rằng, ngoài biện pháp ngoại giao tại sao chúng ta không khởi kiện ra tòa án quốc tế hay có biện pháp mạnh mẽ hơn?
Chúng ta đang dùng tất cả các biện pháp để đấu tranh bảo vệ ngư dân. Đấu tranh ngoại giao là biện pháp trong thời bình và luôn là biện pháp được tất cả các nước sử dụng. Các tranh chấp trên biển không chỉ có ngư dân Việt Nam mà còn ngư dân các nước khác trong khu vực. Ta dùng biện pháp ngoại giao và tất cả các biện pháp hòa bình có thể.
Việc Thủ tướng Chính phủ tham gia Đối thoại Shangri-La tại Singapore từ 31/5 đến 1/6 tới đây cho thấy Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến các diễn đàn đa phương, thưa ông?
Việt Nam tham gia tất cả các diễn đàn khu vực một cách chủ động, tích cực và đó là quan điểm của Việt Nam. Lần này Thủ tướng tham gia và có một bài phát biểu quan trọng trong phiên khai mạc, liên quan đến đường lối chính sách của Việt Nam. Ngoài ra, cũng sẽ có một số cuộc gặp song phương đang được sắp xếp.
Thông điệp trong bài phát biểu của Thủ tướng là gì, thưa ông?
Chủ đề của Đối thoại Shangri-La là hòa bình, an ninh trong khu vực, sẽ bàn đến tất cả các vấn đề liên quan, trong đó chắc sẽ có vấn đề Biển Đông.
Diễn đàn Shangri-La tổ chức vào thời điểm khá sát cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Trung, điều này có bị tác động gì không, thưa ông?
Đây là diễn đàn hằng năm, diễn ra bình thường, không bị tác động bởi các sự kiện khác.
. Theo TPO