Có lý, có tình!
Chuyện thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy đã làm “nóng” nhiều diễn đàn và thu hút sự quan tâm của xã hội. Trên thực tế, qua hơn 2 năm triển khai cho thấy việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy đã không đạt được mục tiêu như mong muốn của các nhà quản lý. Số thu được từ khoản phí này rất thấp, chỉ đạt từ 10% đến 20% mức dự kiến, trong khi chi phí để thu rất cao. Chưa kể hàng loạt vấn đề phát sinh từ thực tế khi nhiều địa phương đang có cách giải quyết khác nhau đối với loại phí này.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, vấn đề thu phí, lệ phí đã được đem ra bàn thảo khá “nóng” và vấn đề đi đến thống nhất là cần thu đúng, thu đủ một cách hợp lý, kiên quyết loại trừ tình trạng thu chồng chéo, lạm thu hoặc thu bất hợp lý. Trong các loại phí được mổ xẻ nhiều, tranh luận khá quyết liệt là phí bảo trì đường bộ.
Đây là loại phí được thu theo quy định tại Nghị định số 18/NĐ-CP của Chính phủ nhưng từ khi thực hiện cho đến nay đã gặp nhiều ý kiến khác nhau, cách làm khác nhau giữa các địa phương, không chỉ ở cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương mà kể cả trong từng địa phương ở cấp xã/phường cũng thực hiện khác nhau. Chính vì thế tại diễn đàn Quốc hội vừa rồi đã có nhiều ý kiến nêu vấn đề dừng thu loại phí bảo trì đường bộ đối với xe máy.
Theo đó, tại nhiều địa phương đã có ý kiến về việc nên hay không tiếp tục thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Cụ thể, HĐND hai tỉnh là Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị bỏ thu phí xe máy. HĐND hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng có chung kiến nghị. HĐND thành phố Đà Nẵng và HĐND tỉnh Khánh Hòa cũng đã quyết định ngừng thu phí đường bộ đối với xe máy. Ở tỉnh ta tuy vẫn đang thực hiện thu nhưng kết quả cũng rất thấp, việc thực hiện của các địa phương trong tỉnh cũng “mỗi nơi mỗi phách” rất bất cập và nhiều ý kiến đề xuất là nên dừng.
Ngay sau kỳ họp Quốc hội, trong cuộc họp do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì để bàn về vấn đề này, nhiều ý kiến của các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Kế hoạch đầu tư và các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT cũng thừa nhận, việc thu phí đường bộ đối với xe máy hiện nay đang gặp một số khó khăn, bất cập. Bộ GTVT cũng rất băn khoăn đối với việc nên hay không thu phí bảo trì đường bộ với xe máy bởi nó liên quan đến ngân sách và ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương, nếu thực hiện mà không có chế tài xử lý thì sẽ rất khó thu, không đạt hiệu quả. Chính vì vậy, mới đây Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ kiến nghị việc sửa đổi Nghị định số 18/NĐ-CP theo hướng dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy.
Mặc dù nguồn kinh phí từ việc thu phí bảo trì đường bộ có vai trò quan trọng trong việc giảm gánh nặng ngân sách địa phương, nhưng nếu thực hiện mà không mang lại hiệu quả thực tế thì rõ ràng là “có vấn đề”. Mọi chính sách chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi phù hợp với thực tiễn vận động của cuộc sống. Một khi chính sách đã ban hành nhưng chưa tạo được sự đồng thuận của người dân, chưa đi vào cuộc sống thì cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu để điều chỉnh là cần thiết. Do đó, việc đề xuất dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy đã và đang nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao của xã hội. Có thể nói, đề xuất sửa đổi như thế là cần thiết và hợp lý, hợp tình nhằm bảo đảm sự công bằng cho người dân.
H.Đ