KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY THÀNH LẬP NGÀNH KSND TỈNH BÌNH ĐỊNH (1975- 2015):
Xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật
Ông Trần Văn Sang
Viện trưởng Viện KSND tỉnh.
Ðây là một trong những mục tiêu của ngành kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Bình Ðịnh. Nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ngành KSND Việt Nam (26.7.1960-26.7.2015) và 40 năm ngày thành lập ngành KSND tỉnh Bình Ðịnh (1975 - 2015), phóng viên Báo Bình Ðịnh đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Văn Sang, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Ðịnh, xung quanh công tác này.
* Đánh giá tổng quan kết quả đạt được của ngành KSND tỉnh trong thời gian qua, theo ông, đâu là những thành tích nổi bật nhất?
- Qua 40 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, ngành KSND tỉnh đã vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong 10 năm trở lại đây, ngành KSND chưa để xảy ra tình trạng án oan, sai; tiến độ giải quyết án được đẩy nhanh, nhất là các vụ án hình sự trọng điểm, được dư luận xã hội quan tâm. Lượng án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng giảm đáng kể, từ 14,5% (năm 2004) giảm xuống còn 1,81% (năm 2014) và 6 tháng đầu năm 2015 chỉ còn 0,36%. Công tác kháng nghị hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại ngày càng tăng về số lượng, chất lượng được nâng cao và tòa án xử chấp nhận đạt tỉ lệ trên 85%, hạn chế án hủy để giải quyết lại.
Bên cạnh đó, công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, dân sự, giải quyết đơn được chú trọng đúng mức, hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu do Quốc hội và ngành đề ra. Đặc biệt, qua công tác kiểm sát thi hành án hình sự, Viện KSND tỉnh phát hiện và kháng nghị một số trường hợp bị án cố tình trốn tránh việc chấp hành án phạt tù được TAND tỉnh chấp nhận và ban hành thông báo buộc bị án đi thi hành án.
Góp phần nâng chất lượng tranh tụng và kỹ năng thực hành quyền công tố của KSV tại phiên tòa là mục tiêu mà ngành KSND tỉnh hướng đến.
- Trong ảnh: KSV tranh luận với bị cáo tại phiên tòa.
* Để đạt được những thành quả trên, ngành KSND tỉnh tập trung thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?
- Thứ nhất, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự qua các giải pháp như “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, “Nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên (KSV) tại phiên tòa”. Qua chủ trương “Hướng về cơ sở”, Viện KSND tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra, tăng cường KSV có kinh nghiệm về các đơn vị cấp huyện tháo gỡ nhiều vụ, việc vướng mắc... từ đó chất lượng công tác kiểm sát đã có sự chuyển biến rõ rệt.
“Trong 10 năm trở lại đây, ngành KSND chưa để xảy ra tình trạng án oan, sai; tiến độ giải quyết án được đẩy nhanh, nhất là các vụ án hình sự trọng điểm, được dư luận xã hội quan tâm”
Thứ hai, lãnh đạo ngành đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, KSV, ưu tiên cán bộ trẻ, về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, tổ chức các cuộc thi tuyển chọn KSV giỏi, KSV tiêu biểu. Năm 1975, toàn ngành chỉ có 9 cán bộ, KSV thì nay đã tăng lên 230 người, trong đó 100% cán bộ, KSV làm công tác nghiệp vụ có trình độ cử nhân luật, 32 người đang theo học và tốt nghiệp thạc sĩ (chiếm tỉ lệ 14%).
Mặt khác, chúng tôi có kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ và chỉ đạo các phòng nghiệp vụ thường xuyên xây dựng các chuyên đề, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cấp dưới. Gần đây, đơn vị còn phối hợp với TAND 2 cấp chọn các phiên tòa xét xử các vụ án điểm và phức tạp về tình tiết, chứng cứ truyền trực tuyến để viện KSND cấp huyện theo dõi; qua đó, góp phần nâng chất lượng tranh tụng và kỹ năng thực hành quyền công tố của KSV tại phiên tòa.
* Hiến pháp năm 2013 quy định quyền con người, thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Vậy ngành sẽ có những giải pháp gì bảo đảm quy định này được thực thi trong hoạt động tố tụng của ngành kiểm sát?
- Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp oan, sai là do lỗi chủ quan của người tiến hành tố tụng, do chưa làm hết trách nhiệm của mình, còn theo lối mòn kinh nghiệm. Với chức năng của mình, ngành KSND có trách nhiệm bảo đảm quyền con người trong hoạt động tố tụng, vì vậy, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục quán triệt cho cán bộ, KSV nhận thức sâu sắc các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014 và các luật chuyên ngành, nhất là các chế định về quyền con người, quyền công dân, về suy đoán vô tội, về bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo. Trong xét xử phải tạo môi trường tranh tụng dân chủ, công khai, góp phần làm rõ sự thật khách quan và bản chất của vụ án.
Chúng tôi luôn xác định để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp cũng như bảo đảm quyền con người trong hoạt động tố tụng, cần phải có một đội ngũ KSV “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật”. Do đó, ngành sẽ tập trung bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho KSV, coi việc đào tạo sau đại học cho cán bộ là nhiệm vụ thường xuyên của ngành.
* Xin cảm ơn ông!
Thành tích của ngành KSND tỉnh:
- Năm 2013: Huân chương Lao Ðộng hạng Ba
- Năm 2012, 2014: Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh
- Năm 2008 - 2014: Liên tục nhận Cờ thi đua dẫn đầu ngành KSND do Viện KSND tối cao tặng
THU HÀ (thực hiện)