Núi Thơm tiếp tục bị “xẻ thịt”
Gần đây, tình trạng khai thác đất trái phép tại khu vực núi Thơm (thuộc thôn Kiên Thạnh, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn) tiếp tục tái diễn mặc cho trước đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng tuyên bố tình trạng này đã chấm dứt từ cuối tháng 5.2015. Phải chăng, các cơ quan hữu quan chưa làm tròn trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn nạn khai thác trái phép này(?)
Báo Bình Định số ra ngày 7.5.2015 có bài viết “Tây Sơn rộ lên tình trạng khai thác đất trái phép tại khu vực núi Thơm”. Sau khi báo phát hành, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo UBND huyện Tây Sơn kiểm tra vụ việc. Qua xác minh, lực lượng kiểm tra đã phát hiện, lập biên bản 4 trường hợp vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng/trường hợp. Qua đó, UBND xã Bình Hòa khẳng định tình trạng khai thác đất trái phép ở khu vực núi Thơm đã chấm dứt.
Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn “án binh bất động”, vào khoảng cuối tháng 6.2015, các đối tượng tiếp tục khai thác đất trái phép ở núi Thơm nhưng tại vị trí khác thuộc xóm Bắc, thôn Kiên Thạnh, xã Bình Hòa. Trực tiếp có tại hiện trường vào ngày 15.7, chúng tôi thấy tình trạng “xẻ thịt” núi Thơm vẫn tiếp diễn; nhiều hố sâu rộng lớn vừa bị các xe cơ giới đào khoét, san phẳng chứ không chấm dứt hẳn như lời khẳng định của chính quyền địa phương.
“Các đối tượng vi phạm thường hoạt động lén lút vào những thời điểm ngoài giờ làm việc, vào ngày nghỉ như thứ Bảy, Chủ nhật nên chính quyền địa phương chưa thể xử lý triệt để vấn nạn khai thác đất trái phép này được
Ông ĐÀO VĂN SANG, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa lý giải nguyên nhân chưa thể ngăn chặn được hiện tượng khai thác đất trái phép
Ông Đào Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa, thừa nhận: Đúng là gần đây, tình trạng khai thác đất trái phép tại khu vực núi Thơm có tái diễn. Nguyên nhân là do người dân thiếu hiểu biết về Luật Khoáng sản, muốn lấn chiếm trái phép đất công ích thuộc núi Thơm (mà theo người dân, đó là đất do ông bà để lại nhưng không có Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất do cấp có thẩm quyền cấp) để cải tạo thành đất vườn nên tự ý “giao kèo” với các doanh nghiệp, công ty tư nhân cho máy múc, máy đào đến khai thác đất. Đơn cử như trường hợp của gia đình ông Ngô Văn Xuân, ở xóm Bắc, thôn Kiên Thạnh, xã Bình Hòa; ngay sau khi phát hiện vi phạm, chính quyền địa phương đã lập biên bản.
Khi chúng tôi đặt nghi vấn: Vì sao chính quyền địa phương lại chậm trễ trong việc ngăn chặn vi phạm, để mọi chuyện “đã rồi”, gây ảnh hưởng đến môi trường, dân sinh mới phát hiện, thì ông Sang cho rằng: Các đối tượng vi phạm thường hoạt động lén lút vào những thời điểm ngoài giờ làm việc, vào ngày nghỉ như thứ Bảy, Chủ nhật nên chính quyền địa phương chưa thể xử lý triệt để vấn nạn khai thác đất trái phép này được (!).
Tiếp tục trao đổi với ngành chức năng, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Tây Sơn, tỏ vẻ bất ngờ trước thông tin mà PV Báo Bình Định cung cấp. Bởi vì theo ông Dũng, vào khoảng thời gian trước, hoạt động khai thác đất trái phép tại khu vực núi Thơm đã tạo dư luận không tốt. Để chấn chỉnh tình trạng này, Phòng TN-MT tiếp tục ban hành văn bản số 52/TNMT-KS vào ngày 6.7 đề nghị UBND xã Bình Hòa tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm. Việc để tái diễn các trường hợp khai thác đất trái phép là do chính quyền địa phương chưa làm tròn trách nhiệm.
“Việc khai thác đất, đất sét trái phép tác động xấu đến môi trường xung quanh. Phòng TN-MT huyện Tây Sơn đã đề xuất UBND huyện Tây Sơn thành lập tổ thanh tra liên ngành để kiểm tra công tác, trách nhiệm của các UBND xã trong việc quản lý tài nguyên đất tại địa phương. Sắp tới, tổ công tác này sẽ làm việc cụ thể với từng địa phương và nếu phát hiện cán bộ nào có biểu hiện bao che, dung túng cho các đối tượng vi phạm thì sẽ kiên quyết xử lý”, ông Dũng nhấn mạnh.
P.LỘC - H.PHÚC