Sư phụ “rởm”!
* Truyện ngắn của Võ Thị Thúy Vi
- Alo! Dậy đi, sáng nay tao qua chở mày đi học.
- Cái gì? Mới có 5 giờ rưỡi mà cha!
- Không thì thôi. Đừng có mơ là người đầu tiên được ngồi trên xe mới của tao nhá!
- Ồ… Đợi tao xíu! - Giọng tôi vẫn còn đang ngái ngủ, miễn cưỡng chui ra khỏi chiếc chăn ấm áp. Chẳng qua là vì tôi muốn thử đi chiếc xe mới của thằng Phong, đó là phần thưởng cho những nỗ lực của nó trong giải điền kinh của tỉnh. Mà phải công nhận thằng nhỏ ăn giống gì mà chạy nhanh như bay, lần nào thi cũng giành giải, và tất nhiên lần này cũng vậy.
Nhà Phong nghèo lắm, nó sống với bà ngoại từ bé vì cả ba và mẹ nó đều phải đi làm ăn xa. Suốt hai năm trời tôi và nó cùng đến trường trên chiếc xe đạp của tôi. Tôi đã quen được nó chở nên giờ nghĩ đến chuyện sau này phải đạp xe một mình thì thật là khủng khiếp!
- Woa! Xe “xịn” luôn mới chịu, kiểu cũng đẹp nữa, mày sướng nhất nha! - Tôi trầm trồ và nhìn ngắm say mê chiếc xe đạp mới của nó.
- Nói nhiều quá, đi học thôi…
- Ê mày, tao nói nghe nè! Mày đi học không có tao mày cũng buồn, đúng không? Tao biết mà... Tao hiểu, tao… - Tôi đang cố tôn cái “vẻ đẹp tiềm ẩn” (mà càng “tìm” lại càng “ẩn”) của tôi thì nó cắt ngang bằng một câu phũ phàng:
- Sáng dậy tỉnh ngủ chưa thím Hai? Thím đang mơ à?
- Mơ cái đầu mày á! Nhiều người muốn chở tao đi học lắm mà không được à nha! Nhưng nể tình tao với mày là bạn cũng hơi bị thân nên… cho mày cơ hội chở tao đi học mỗi ngày à!
Nó thắng một cái “kít” làm tôi ngã nhào vào lưng nó.
- Bà thím đang mơ mộng hay sao vậy? Ở đời ai cho không ai cái gì bao giờ... - Mặt nó nghênh lên thấy phát ghét!
Biết là không dụ dỗ được, nên tôi đành tương kế tựu kế:
- Hay là mày chở tao đi học hằng ngày tao sẽ… chỉ cho mày “bí kíp cua gái”? Mày còn “non” lắm con à!
Nó suy nghĩ hồi lâu rồi chẳng hiểu sao lại đồng ý mới ghê chứ! Từ hôm đó trở đi tôi chính thức có một… đệ tử kiêm tài xế.
***
Những trưa hè ngập nắng nó đèo tôi về mà mồ hôi ướt sũng cả áo, thấy cũng tội, mà thôi cũng kệ nó!
- Nói tiếp vụ “bí kíp” ngày hôm qua đi sư phụ.
- À… bí kíp là… - Thật ra tôi chỉ bịa ra chứ có phải là quân sư gì đâu, đành nói bừa vậy… - Con gái thì rất thích được quan tâm một cách vừa phải, không quan tâm quá cũng không thờ ơ quá, hiểu không?
- Hiểu chết liền á! Con gái đúng là phức tạp!
- Không phức tạp thì không phải là con gái mà thằng “bờm” kia! Người ta thường nói: Phụ nữ là một kho báu khổng lồ mà không người đàn ông nào có thể khám phá được hết.
- Người ta nói hay mày tự nói vậy nhóc? Bày đặt…
Cứ như thế chúng tôi trải qua hai năm cấp ba cùng nhau, lúc thì êm đềm khi thì bão giông nhưng chẳng bao giờ giận nhau được lâu. Mỗi lần nó làm tôi giận đều tặng tôi những con bướm vàng mà tôi rất thích. Loài bướm này chỉ bay nhiều vào mùa hè. Từng đàn bướm tự do vui đùa giữa không trung làm tôi có cảm giác như đang lạc vào một thế giới thần tiên nào đó mà tôi từng mơ thấy, đẹp lung linh và huyền ảo. Những lúc trầm tư nó vẫn hay nói với tôi rằng: Bướm vàng chỉ rực rỡ nhất khi bay giữa cái nắng gay gắt nhất. Câu nói ấy vẫn cứ theo tôi suốt những năm tháng sau này. Những cánh bướm mỏng manh làm bạn với tuổi thơ của tôi và Phong dễ thương như vậy đấy. Nhưng rồi điều gì đến cũng đến. Ban đầu tôi rất ngại phải đi học mà không có Phong. Dần dần tôi thấy có nhu cầu cần phải thấy Phong quanh đâu đó, ít nhất là nghe thấy tiếng Phong. Rồi có những lúc bất chợt tôi thật sự sợ phải rời xa Phong. Phải nói là rất sợ…
- Sao nay sư phụ im lặng… như con gái vậy?
Tôi biết là nó hiểu lý do tại sao tôi lại như vậy, nhưng vẫn cố tỏ ra như không có gì.
- Sao mày sắp đi xa mà không nói với tao? Mày không coi tao là bạn à?
- Tao… Tao sợ mày buồn…
- Giọng nó đột nhiên trầm lại.
- Sợ tao buồn nên giấu tao à? Mày đúng là cái thứ… đáng ghét! - Vừa nói tôi vừa véo vào hông nó. Khác với những lần trước, lần này nó cắn răng chịu đựng không kêu tiếng nào. Chắc tại nó thấy mình có lỗi… Cũng vì người ta nhận thấy năng lực xuất sắc của nó nên trường năng khiếu thể thao của tỉnh quyết định trao học bổng đào tạo cho nó. Điều này đồng nghĩa với việc nó sẽ phải lên trường đó học và phải rất lâu chúng tôi mới có thể gặp lại nhau. Nghĩ đến đây thôi nước mắt tôi như chực trào ra nhưng cố không để nó biết. Còn về phần nó, tôi biết nó cũng chẳng muốn đi đâu, vì ước mơ của nó không phải trở thành vận động viên mà là một bác sĩ. Nhưng ước mơ đó quá xa vời với một đứa con nhà nghèo như nó. Và cuối cùng không muốn để ngoại phải lo lắng thêm nên nó chấp nhận cơ hội ấy.
Đường làng hôm ấy thiếu đi tiếng cười của hai đứa nhóc. Bướm vàng vẫn cứ bay, bay hoài và hình như không biết mỏi…
Ngày nó đi tôi ghé sang nhà tặng nó chiếc hộp có mấy cánh bướm ép khô. Nó nhìn tôi với đôi mắt buồn và sâu thẳm như chứa đựng cả sự tiếc nuối và đau khổ.
- Đi học nhớ giữ gìn sức khỏe nha! Nhớ là bướm vàng chỉ rực rỡ nhất khi bay dưới cái nắng gay gắt nhất, nghe chưa đệ tử! - Tôi cố gượng cười, nhưng thật sự là buồn lắm…
- Mày làm sư phụ kiểu gì mà tao chưa “cưa” đổ được đứa cần “cưa” vậy hả? Đồ sư phụ “rởm”!
- Ủa con nào vậy? Sao từ trước tới giờ tao chưa nghe mày nói với tao mà!
- Mày không biết nó đáng ghét thế nào đâu… Nó thích bướm vàng lắm và đã véo tao bầm hông khi biết tao sắp đi xa…
Nó nói đến đây tôi bỗng thấy có cái gì đó hơi giống mình… Mặt tôi chợt đỏ bừng lên…
- Mày ở nhà học tốt đó! Sắp cuối cấp rồi, nhớ là phải theo đuổi tới cùng ước mơ của mình, đừng như tao… Chủ nhật tao sẽ tranh thủ về thăm mày. Thôi tao đi đây!
Bóng nó và chiếc xe đò mờ dần trên quốc lộ, để lại phía sau một cô gái đứng bơ vơ trong nắng chiều…
Một thời gian sau nó vẫn về thăm nhà đều đặn mỗi chủ nhật. Mỗi lần về hai đứa lại đèo nhau ra ngoài đê ngắm bướm vàng bay trong nắng chiều êm ả. Nó không còn là Phong vô tư như trước nữa. Làn da sạm nắng vì tập luyện nhiều cùng với đôi mắt sâu thẳm ấy… đã nhào nặn nên một Phong trưởng thành và có phần lạnh lùng của ngày hôm nay… Tôi muốn thấy nụ cười của nó như những chiều nào… nhưng…
- Có lẽ một đứa nghèo như tao sẽ chẳng đem lại hạnh phúc cho người con gái nào đâu phải không mày?
- Mày phải tự tin vào bản thân mình chứ! Hạnh phúc đâu tính được bằng vật chất.
- Nếu… Tao nói nếu thôi nha… Nếu tao thích mày, mày có vì tao nghèo mà rời xa tao không?
Mặt tôi đỏ ửng lên khi nghe Phong nói như vậy. Thật sự tôi thích nó, chẳng hề quan tâm đến hoàn cảnh của nó như thế nào. Nhưng nó đâu có hiểu. Cái nghèo luôn là nỗi mặc cảm lớn nhất của nó.
- Tao… tao… sẽ không rời xa mày… nếu… mày thật sự muốn tao là người sẽ luôn bên cạnh mày… Nếu mày thật sự muốn giữ tao lại…
Phong nhìn thẳng vào mắt tôi như muốn nói điều gì nhưng lại thôi…
Từ ngày ngoại nó mất, nó ít về thăm nhà và hình như nó muốn tránh mặt tôi. Rồi dần dần việc học tập và thi cử cuốn tôi đi qua những tháng ngày không có Phong bên cạnh. Tôi buồn, cô đơn và cảm thấy hụt hẫng lắm. Chiếc xe đạp ấy, con đường ấy giờ chỉ còn lại mình tôi với những chùm phượng thắm đỏ… Nhiều lúc nước mắt tôi rơi chẳng hiểu lý do gì. Có lẽ là vì một người… Phong của tuổi hai mươi bây giờ chững chạc hơn, ra dáng một thanh niên đầy bản lĩnh… Nhưng đôi mắt buồn ấy vẫn như ngày nào… Chắc có lẽ Phong không còn mặc cảm về giàu nghèo nữa rồi, có lẽ cậu ấy đã sẵn sàng đến bên người cậu ấy yêu thương… Nhưng sẽ chẳng phải là tôi… Cánh bướm ngày ấy chợt về trong ký ức, rực rỡ, lung linh… rồi nhạt nhòa đi trong đôi mắt ướt nhòe của cô “sư phụ rởm” ngày nào…
V.T.T.V (THPT Nguyễn Hồng Đạo, Phù Cát)