Đạp xe - Xe đạp
Phong trào tập thể dục bằng cách đạp xe đạp ở TP Quy Nhơn phát triển đã nhiều năm qua. Thời gian gần đây, phong trào này phát triển mạnh, thu hút nhiều người tham gia hơn, từ già đến trẻ.
Không chỉ là tập thể dục
Chơi xe đạp khoảng 2 năm, với anh Trần Tiến Đoan (chủ cửa hàng điện tử Tiến Đoan ở đường Trần Hưng Đạo), lợi ích mang lại không dừng lại ở việc căn bệnh đau cột sống kinh niên đã thuyên giảm hẳn, mà còn nhiều điều khác nữa.
“Các mối quan hệ của tôi không còn bó hẹp trong phạm vi bạn hàng làm ăn mua bán như xưa, mà mở rộng hơn nhiều. Tôi quen đủ bạn thuộc nhiều thành phần khác nhau, từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh; từ đó, quan hệ làm ăn của tôi cũng mở rộng hơn. Ngoài ra, những chuyến đạp xe liên huyện hay liên tỉnh giao lưu bè bạn hay làm từ thiện giúp tôi mở rộng tầm nhìn, và thông cảm hơn, chia sẻ hơn với những cảnh đời bất hạnh. Nói chung, cuộc sống của tôi giờ thú vị hơn nhiều...”, anh đúc kết. CLB xe đạp Quy Nhơn Velo do anh Đoan làm chủ nhiệm hiện có 16 thành viên.
TP Quy Nhơn hiện có 8 CLB xe đạp gồm: Hoa Lý, Hai Lương, Chín Phổ, Quy Nhơn Velo, Đống Đa, Quang Trung, Diên Hồng, Quy Nhơn, quy tụ hơn trăm thành viên. Có người tham gia xuất phát từ lòng đam mê với môn thể thao này, nhưng với phần lớn mọi người là để luyện tập, giữ gìn, nâng cao sức khỏe, hướng đến một cuộc sống lành mạnh và cân bằng hơn.
Hàng ngày, cứ đúng 5 giờ 10 phút sáng, thành viên của CLB xe đạp Đống Đa tập trung ở ngã 5 Đống Đa - Trần Hưng Đạo rồi chạy về phía cầu Thị Nại- Nhơn Lý sau đó trở về, kết thúc vào khoảng 6 giờ 10 phút. Trên chặng đường đó, các tốp chia ra chạy với nhiều tốc độ khác nhau: tốp chạy với vận tốc 45-55km/h, tốp chạy 35-40 km/h hoặc chậm hơn.
Anh Lê Xuân Hoàng, chủ quán cà phê Boy (đường Nguyễn Tất Thành, Quy Nhơn), thành viên CLB xe đạp Đống Đa, cho hay: “Nhờ đạp xe mà mấy năm nay tôi không bị đau vặt hay cảm xoàng. Một số anh em khác nói nhờ đạp xe mà các bệnh về cột sống, tiểu đường, mỡ trong máu và bệnh gout giảm hẳn. Thậm chí có người còn viện cớ đạp xe buổi chiều để từ chối bớt các cuộc nhậu. Nói rộng ra, đây là cách mình ủng hộ cho sống xanh. Bà xã của tôi và một số chị em là vợ của anh em trong CLB cũng lập hội đạp xe buổi chiều để giảm cân, giữ vóc dáng”.
Anh Hoàng cũng cho biết thêm, trong những cuộc giao lưu, gặp gỡ, nhiều thành viên của các CLB còn tích cực quyên góp tiền làm từ thiện, đến thăm, tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; hoặc chuyển tiền, quà từ thiện của các CLB xe đạp bạn ở các tỉnh thành khác gửi tặng.
Đạp xe - xe đạp: sao cho đúng?
Thời gian gần đây, phong trào đạp xe đạp Quy Nhơn phát triển khá mạnh, với sự tham gia của nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau, từ học sinh, sinh viên đến người trung niên, lớn tuổi. Sáng sớm hoặc chiều tối rất dễ bắt gặp hàng đoàn “vận động viên” nghiệp dư đạp xe trên đường, thậm chí có cả gia đình vợ chồng con cái cùng đạp xe. Một số cán bộ, công chức thi thoảng cũng đi xe đạp đến công sở thay vì đi xe máy suốt cả tuần.
“Năm ngoái em đi xe đạp điện nhưng từ hè đến giờ em đi xe đạp MTB vì ba mẹ nói đi xe đạp tốt cho sức khỏe hơn. Bản thân em cũng thấy thích, mấy đứa bạn em giờ cũng chuyển sang đi xe đạp rồi. Ði xe đạp đang là mốt”
Em Trần Văn Duy, học sinh lớp 8 Trường THCS Lê Lợi, Quy Nhơn
Nhận thấy thị trường xe đạp thể thao có “đất sống”, một số thành viên CLB xe đạp đã mở ra kinh doanh, có thể kể đến anh Nguyễn Thế Phổ, chủ nhiệm CLB xe đạp Chín Phổ, hay anh Lê Xuân Hoàng. Anh Hoàng chuyên mua bán xe đạp cũ ngoại nhập ngay tại quán cà phê; còn anh Phổ mở cửa hàng Chín Phổ Bicycle Race (96B Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn) chuyên kinh doanh xe mới và các thiết bị, phụ kiện thể thao đi kèm.
Anh Phổ cho biết, thị trường xe đạp thể thao hiện khá đa dạng từ mẫu mã, chủng loại đến giá tiền, nhưng phổ biến nhất là các loại: xe đạp địa hình (MTB) loại tay ngang giá từ 3,5-7 triệu đồng/chiếc, xe fixed gear (líp bắt cố định vào đùm bánh xe, thắng bằng cách đạp ngược, có nhiều màu thời trang) từ 1,9 triệu- 2,3 triệu đồng/chiếc, xe đạp đua (road), tên gọi dân dã là xe đạp cuộc giá từ 10 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng một chiếc, tùy theo chất liệu sườn xe.
Theo lời khuyên của những người có kinh nghiệm chơi và buôn bán xe đạp, người đạp xe nên mua xe phù hợp với công năng sử dụng, điều kiện kinh tế và chiều cao của mình. Học sinh, sinh viên và người đi xe với mục đích rèn luyện sức khỏe nên mua xe MTB; thích thời trang có thể hợp với xe fixed gear; người già nên đi loại touring (xe đi đường dài, chậm rãi); người đi chuyên nghiệp nên chọn xe đua.
Đưa xe đến sửa tại cửa hàng Chín Phổ, em Trần Văn Duy, học sinh lớp 8 Trường THCS Lê Lợi, Quy Nhơn, nói: “Năm ngoái em đi xe đạp điện nhưng từ hè đến giờ em đi xe đạp MTB vì ba mẹ nói đi xe đạp tốt cho sức khỏe hơn. Bản thân em cũng thấy thích, mấy đứa bạn em giờ cũng chuyển sang đi xe đạp rồi. Đi xe đạp đang là mốt”.
Theo các chuyên gia vận động khoa học, đi xe đạp có thể rèn luyện toàn diện các cơ quan trong cơ thể, tăng cường chức năng tim phổi và tăng sức chịu đựng, thúc đẩy trao đổi chất và tuần hoàn máu, làm chậm quá trình lão hóa.
Xe đạp cũng được cho là một trong những phương tiện tốt nhất để khắc phục các vấn đề tim phổi, tăng cường thể chất và sự nhẫn nại, cải thiện sức khỏe tâm lý.
Bài, ảnh: THU HÀ