Học cách tôn trọng
Hàng xóm mới chuyển tới cạnh nhà tôi là một cặp vợ chồng trẻ có cậu con trai chuẩn bị vào lớp Một. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu chị ấy không dạy con theo kiểu “tra tấn”. Bất kể là giữa trưa hay ngày nghỉ, giọng chị ấy lúc nào cũng sang sảng, chát chúa với con. Dĩ nhiên, cách dạy con ấy cũng vô tình “tra tấn” luôn những người xung quanh.
Chẳng biết trong tương lai, con chị có trở thành “ông nọ bà kia” như chị kỳ vọng không, nhưng nhìn thằng bé 6 tuổi cố gắng phát âm “a”, “ă”, “â” trong nghẹn ngào, sợ sệt mà thấy thương. Tới giờ học, không chỉ đứa bé sợ hãi mà cả hàng xóm cũng có chung cảm giác. Vốn thân thiện nên dù khó chịu, người trong xóm vẫn chưa biết góp ý thế nào cho phải. Phần vì nhà chị mới chuyển đến, phần lại ngại xen vào việc dạy con của chị.
Gần đây, mẹ chị lên thăm cháu, xem chỗ ở mới của gia đình con gái. Tiếng chị dạy con ngưng đi vài bữa. Lúc thấy chị đưa mẹ ra bến xe buýt, người trong xóm bảo nhau: việc dạy con theo kiểu “tra tấn” sắp tái diễn. Vậy mà, mấy hôm sau, mọi người chẳng nghe chị to tiếng với con lần nào.
Gặp chị lúc đang quét sân trước hiên nhà, mẹ tôi hỏi dò: “Mấy bữa nay, không thấy cô dạy cháu học bài nữa?”. Tuy có vẻ ngượng ngùng nhưng chị vẫn thật thà đáp: “Thấy em giữa trưa vẫn oang oang “dạy” con như vậy, mẹ em có góp ý. Là người mới đến, làm gì làm, cũng không nên để ảnh hưởng đến không gian riêng của mọi người. Dạy con là quyền riêng nhưng tránh làm phiền người khác. Phải biết cách tôn trọng người khác thì họ mới tôn trọng mình được. Hơn nữa, dạy trẻ rất không nên la hét. Trẻ nó sợ hãi thì cái chữ không vô đầu được”.
Và, chẳng mấy khi hàng xóm bắt gặp tiếng chị sang sảng giữa trưa nữa.
HỒNG YÊN